Các nước sử dụng công nghệ để "chạy đua" với Covid-19

(PLVN) - Để ngăn sự lây lan của Covid-19, nhiều nước đã ứng dụng công nghệ để giám sát người cách ly hoặc cho phép người dân nhận biết người nhiễm Covid-19 ở quanh mình.

Những người đeo khẩu trang đi qua khu vực sàng lọc nhiệt độ tại Nhà ga 1 của Sân bay Changi, Singapore. Singapore là quốc gia đã đưa ra ứng dụng để giúp theo dõi sự lây lan của Covid-19.
Những người đeo khẩu trang đi qua khu vực sàng lọc nhiệt độ tại Nhà ga 1 của Sân bay Changi, Singapore. Singapore là quốc gia đã đưa ra ứng dụng để giúp theo dõi sự lây lan của Covid-19.

Tại Trung Quốc, các camera quan sát do chính phủ lắp đặt chĩa vào cửa căn hộ của những người bị cách ly 14 ngày để đảm bảo họ không rời đi. Máy bay không người lái nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang khi ra đường. Mã vạch kỹ thuật số trên các ứng dụng di động cho thấy tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Đây chỉ là một số cách mà nền Trung Quốc đã sử dụng bộ máy giám sát của mình nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ ở Trung Quốc, nhiều nước đang sử dụng công nghệ nhằm xác định nơi người nhiễm bệnh đang hiện diễn và theo dõi kiểm dịch. Tại Singapore, chính phủ đã triển khai một ứng dụng (app) có tên TraceTogether. Ứng dụng sử dụng tín hiệu Bluetooth giữa các điện thoại di động để xem liệu người nghi nhiễm Covid-19 có tiếp xúc gần gũi với người khác hay không.

Ở Hồng Kông (Trung Quốc), người cách ly được đeo dây đeo cổ tay có liên kết với ứng dụng điện thoại thông minh và có thể gửi tín hiệu cảnh báo tới cơ quan chức năng nếu người đó  rời khỏi nơi cách ly.

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã sử dụng các hồ sơ như giao dịch thẻ tín dụng, dữ liệu vị trí điện thoại thông minh và video camera quan sát cũng như các cuộc trò chuyện, từ đó tạo ra một hệ thống theo dõi các trường hợp được xác nhận. Kết quả là tạo nên một bản đồ có thể cho mọi người biết họ đã đến gần một người mang mầm bệnh Covid-19 hay chưa.

Trong khi đó, cơ quan an ninh của Israel sử dụng dữ liệu vị trí điện thoại di động của công dân theo dõi nơi họ đã ở để có thể thực hiện các biện pháp kiểm dịch và theo dõi chuyển động của những người bị nhiễm bệnh.

Một số khu vực của Ấn Độ, dữ liệu đặt chỗ từ các hãng hàng không và xe lửa đã được theo dõi để đảm bảo những người đang thực hiện cách ly không thể đi du lịch. Ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ, các nhà chức trách đã sử dụng hỗn hợp các hồ sơ cuộc gọi điện thoại, cảnh quay camera giám sát và dữ liệu vị trí điện thoại để theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Tại Hoa Kỳ, chính phủ đang trao đổi với Facebook, Google và các công ty công nghệ khác về khả năng sử dụng dữ liệu vị trí và chuyển động từ điện thoại thông minh của người Mỹ để ngăn cản sự lây lan của Covid-19.

Dù còn có nhiều tranh cãi về nhân quyền và lo ngại về sự lạm quyền của Chính phủ khi dịch bệnh qua đi, thì cũng không thể phủ nhận một trong những công cụ phổ biến nhất đang được sử dụng trên toàn thế giới là thu thập dữ liệu vị trí bằng điện thoại thông minh và dữ liệu từ các mạng di động.

Về phần mình, một số chính phủ đã đưa ra thông tin rõ ràng về dữ liệu họ đang thu thập và giới hạn thời gian lưu giữ thông tin trong bao lâu. Singapore cho biết ứng dụng TraceTogether của họ không ghi lại dữ liệu vị trí hoặc truy cập danh sách liên lạc của người dùng điện thoại, và nhật ký dữ liệu được lưu trữ trên điện thoại ở dạng mã hóa. Hàn Quốc cho biết việc thu thập thông tin của họ sẽ chấm dứt khi dịch Covid-19 kết thúc và tất cả dữ liệu cá nhân sẽ bị xóa bỏ.

Đọc thêm