8 triệu ca tử vong mỗi năm do sử dụng thuốc lá
Thông tin về tác hại của thuốc lá, bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) cho biết, sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Điểm qua quá trình phát triển của riêng sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nêu loạt ảnh hưởng tới sức khỏe của TLĐT. Theo đó, TLĐT lôi kéo, làm gia tăng số người nghiện thuốc lá thông thường, hủy hoại các nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá thông thường; các hóa chất trong hơi TLĐT làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục… Đáng quan ngại là tình trạng ma túy, cần sa tổng hợp tẩm trong TLĐT, gây thêm gánh nặng về y tế, an ninh, xã hội.
Khuyến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Nêu kinh nghiệm một số nước trong quản lý TLĐT, BS Nguyên cho hay, Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất TLĐT đã cấm các loại TLĐT có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm TLĐT). Vì vậy, BS Nguyên đề xuất khẩn cấp cấm lưu hành TLĐT ở Việt Nam.
Trước những nguy cơ của đồ uống có đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến nghị trẻ em từ 2 - 18 tuổi hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 gram mỗi ngày (<= 5% tổng năng lượng nạp vào); đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Với trẻ em dưới 2 tuổi, không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Đến từ Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, bà Trần Thị Tuyết chia sẻ một số định hướng sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng có hại với sức khỏe. Theo đó, đối với thuốc lá, từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016, tăng từ 65% lên 70% và năm 2019, tăng từ 70 lên 75%. Tuy nhiên, theo đánh giá của WHO và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế thì các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại.
Do vậy, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) và tăng thuế theo một lộ trình để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo khuyến cáo của WHO và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng cũng như theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, nên cân nhắc đưa các loại thuốc lá mới phát sinh trên thị trường vào đối tượng chịu thuế TTĐB để dự phòng quy định về thuế TTĐB định hướng tiêu dùng, góp phần giảm việc dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe theo Điều 6 Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, khuyến cáo của WHO và các tổ chức bảo vệ sức khỏe.
Đối với nước giải khát có đường, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB theo định hướng của Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và theo kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.
Đối với đồ uống có cồn, theo bà Tuyết, thuế rượu, bia ở Việt Nam hiện còn ở mức thấp, theo tính toán mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ. Trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ, như thuế suất TTĐB đối với rượu, đồ uống có chứa cồn thực phẩm dưới 20 độ là 35%, đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia là 65%. Mức điều chỉnh tăng thuế TTĐB với sản phẩm rượu, bia theo Luật Thuế TTĐB chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu, bia. Do đó, để bảo đảm không gia tăng sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, cần thiết điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn.