Các tỉnh Đồng bằng sông cửu long gặp khó trong tiêu thụ nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không chỉ có chanh, mà thanh long, chuối, nhãn..., thậm chí cả thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Nam đều đang giảm giá mạnh nhưng bà con nông dân vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ…
Giá chanh ở Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp.
Giá chanh ở Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp.

Theo Báo cáo của Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT, tình hình tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn công tác thu mua, giá lúa tăng 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước.

Tuy nhiên, một số cây ăn quả vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa.

Ngoài xoài đang cuối mùa vụ thu hoạch, sản lượng không đáng kể, tình hình tiêu thụ tương đối tốt, giá bán ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg với xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu 10.000 - 12.000 đồng/kg thì nhiều loại quả khác của ĐBSCL đang rớt giá.

Cụ thể, thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang nhưng giá bán tại vườn cũng rất thấp, từ 2.000 - 3.000 đồng/kg thanh long ruột trắng; 3.000 - 5.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ. Với giá bán như vậy, nông dân sản xuất không có lãi, thậm chí là lỗ.

Với chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tương đối tốt, các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tại vườn thấp 2.000 - 4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh.

Nhãn cũng đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm bằng khoảng 50% so với năm trước, nhãn Eldor tại vườn 8.000 - 10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Đặc biệt, giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức chiều 17/8, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, vườn chanh của Long An hiện đang có 1.500 tấn, song thương lái vào thu mua rất ít.

Không chỉ trái cây, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cũng đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000–54.000 đ/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp hơn 10.000đ/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28000 đ/kg (giảm 19,1-19,2%).

Theo nhận định của Tổ Công tác 970, với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn.

Tổ Công tác 970 cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ Công tác (Rau củ: 317 đầu mối; Trái cây: 302 đầu mối; Thủy hải sản - chăn nuôi: 423 đầu mối; Lương thực: 72 đầu mối; Các mặt hàng khác: 52 đầu mối). Tuy nhiên, đầu mối tiêu thụ chỉ khoảng 250 đầu mối.

Sự chênh lệch này cùng với việc lưu thông hàng hóa, theo phản ảnh của các địa phương tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khiến cho nhiều loại nông sản giảm giá nhưng khó tiêu thụ.

Cùng với đề xuất tiếp tục thảo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hoá, đặc biệt sự phối hợp giữa các địa phương trong việc cho xe hàng đi qua, đại diện các Sở NN&PTNT tại cuộc họp kiến nghị các địa phương cần công khai đường dây nóng, đồng thời Tổ Công tác của 2 Bộ NN&PTNT và Công Thương cần công khai các đầu mối tiêu thụ cùng nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản để bà con nông dân chủ động liên hệ…

Theo Tổ Công tác 970, kết quả kết nối cung - cầu hiện tại chưa thống kê được chính xác vì phần lớn các đầu mối bán – mua trao đổi trực tiếp và mua bán trực tiếp với nhau. Mỗi ngày, Tổ Công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản (tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá rô phi), các loại rau gia vị, hàng rau củ quả (chủ yếu dưa leo, củ sắn, bầu, bí…).

Hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ Công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán. Ngoài ra, báo cáo không đầy đủ của các tỉnh, trung bình có 30 đơn vị/ngày/tỉnh được bán hàng thành công nhờ các thông tin của Tổ Công tác 970.

Đọc thêm