Các tỉnh khẩn trương đối phó những mối nguy tiềm tàng của dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước diễn biến mới của dịch Covid - 19 ở một số địa phương, hầu hết tỉnh, thành trong cả nước đều có phương án chủ động, khẩn trương triển khai công tác phòng, chống để dịch không bùng phát tại địa bàn...
Các tỉnh khẩn trương đối phó những mối nguy tiềm tàng của dịch Covid-19

Tỉnh Tiền Giang mặc dù không có đường biên giới giáp với các nước láng giềng đang “báo động đỏ” về dịch Covid-19, nhưng địa giới của tỉnh có phía Bắc giáp tỉnh Long An, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long, phía Đông Bắc giáp TP HCM, phía Đông Nam giáp Biển Đông. Trong đó các tỉnh Long An, Đồng Tháp có đường biên giới dài.

Các tỉnh thành phố lân cận cũng có mật độ dân số giao thương đi lại đông đúc, điều này khiến cho những mối nguy dịch bệnh luôn tiềm tàng tại địa bàn Tiền Giang.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tại khu cách ly tập trung Tiểu đoàn Ấp Bắc (Tiền Giang) (Ảnh: Thủy Hà)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tại khu cách ly tập trung Tiểu đoàn Ấp Bắc (Tiền Giang) (Ảnh: Thủy Hà)  

Trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Tiền Giang vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đề nghị Tiền Giang cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng dịch trên địa bàn cũng như sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh biên giới khi cần thiết; Nên chủ động xây dựng thêm các khu tiếp nhận, cách ly tập trung; cung cấp thêm trang thiết bị điều trị ở các bệnh viện, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống; tăng cường kiểm soát, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong dịp Lễ 30/4, 1/5, đặc biệt là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Tại địa bàn Bến Tre, phán đoán trước tình hình hết sức bất lợi cho các tỉnh Tây Nam bộ, bà Nguyễn Thị Bé Mười - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bến Tre nhận định, người Việt Nam đang ở tại Campuchia khá nhiều, nếu trường hợp các nước xung quanh vỡ trận thì tình trạng nhập cảnh không qua đường chính ngạch sẽ gia tăng, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch của Bến Tre. Do đó, Bến Tre cần phải có tư thế chuẩn bị sẵn sàng để hạn chế thấp nhất khả năng mất kiểm soát.

Để ứng phó diễn biến mới với nhận định sẽ phức tạp và cam go hơn, Bến Tre đã đề ra phương án thành lập các điểm cách ly với 1.000 giường trong toàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu sắp tới. Ngành y tế đã thiết lập lại bệnh viện dã chiến với 300 giường bệnh tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. Các huyện, thành phố chuẩn bị triển khai cách ly khi có yêu cầu, trung bình mỗi địa phương có khả năng tiếp nhận cách ly với quy mô 100 đến 300 giường.

Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (TX. Kiến Tường – Long An) (Ảnh: Hoài An)
 Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (TX. Kiến Tường – Long An) (Ảnh: Hoài An) 

Là một tỉnh giáp biên với Campuchia, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã yêu cầu Long An phải rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại các cửa khẩu, phân công nhiệm vụ cụ thể và có quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch trên khu vực đồn biên phòng quản lý. Long An cần thực hiện ngay phương án sàng lọc bằng cách xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm sàng lọc đối với các thành phần trong khu cách ly, bệnh viện, cán bộ khu vực biên giới… không để lây chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly lây ra cộng đồng.

Song song với đó là kiểm soát chặt chẽ trường hợp nhập cảnh trái phép, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các địa phương trong tỉnh và nước bạn, không để người dân 2 bên nhập cảnh trái phép. Tuyên truyền người dân sống dọc các tuyến biên giới phát giác, khai báo cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh trái phép…

Một số tỉnh Tây Nam bộ cũng đã sẵn sàng đối phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, An Giang có 50 cơ sở cách ly tập trung và 16 cơ sở điều trị Covid-19, chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường; kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, siết chặt kiểm soát tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới.

Đồng Tháp cũng đang tập trung mọi nguồn lực, siết chặt kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Kiên Giang bố trí 128 chốt, tổ và có trên 1.000 chiến sĩ thường xuyên trực kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới; trên biển bố trí 26 chốt cố định và 18 tổ cơ động. Ngoài ra còn có 9 tàu và 2 xuồng tuần tra của lực lượng biên phòng, hải đoàn 28, kiểm ngư, Vùng 5 Hải quân và Vùng Cảnh sát biển 4...

Lực lượng biên phòng cửa khẩu Long Bình (An Phú - An Giang) tuần tra giáp biên giới Campuchia (Ảnh: Bửu Đấu)
Lực lượng biên phòng cửa khẩu Long Bình (An Phú - An Giang) tuần tra giáp biên giới Campuchia  (Ảnh: Bửu Đấu) 

Liên tục trong những ngày gần đây, các đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng và các Thứ trưởng dẫn đầu đã đi kiểm tra lần lượt công tác phòng, chống dịch, công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp.

Tại miền Trung, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19 tỉnh TT- Huế mới họp và triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các sở, ngành địa phương trên địa bàn.

Tại buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TT- Huế Lê Trường Lưu nhận định, thời gian qua, tỉnh đã làm rất tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

Bí thư Tỉnh ủy TT- Huế đề nghị đề nghị các sở, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc công điện của: Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh TT- Huế về các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh Covid -19 theo từng cấp độ.

Tại buổi họp, đại diện các sở, ngành, địa phương của TT- Huế đã tập trung thảo luận và đưa nhiều ý kiến về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT- Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương cần phải chủ động, kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện nhất quán phương châm: Không cực đoan nhưng không chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19; Lọt sàng xuống nia; Đi từng ngõ, gõ từng nhà; Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch và nguyên tắc "5K".

Thủ trưởng các cơ quan trung ương trên địa bàn; các sở, ban, ngành, các đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện ngiêm các nội dung tại Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 26/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.

UBND tỉnh Hải Dương cũngmới có chỉ đạo tạm dừng tổ chức các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, lễ hội và các hoạt động có tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đồng thời yêu cầu, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân ra khỏi địa bàn tỉnh Hải Dương vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khi quay trở về bắt buộc phải khai báo y tế.

Trong trường hợp nếu có một trong các biểu hiện ho, sốt, khó thở... phải báo với cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn. Địa phương sẽ xử lý nghiêm các cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực.

UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với các trường hợp đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam để phòng chống dịch bệnh.

Trong 3 ngày (28-29/4 và 5/5), Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng sẽ tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho tổng số 520 cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, Lâm Đồng cũng sẽ triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho 35 thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và 36 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh do có các yếu tố nguy cơ qua khám sàng lọc.

Trước đó, ngày 23/4, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã diễn ra buổi khai mạc điểm tiêm đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho khoảng 100 cán bộ là lãnh đạo, chuyên viên thuộc văn phòng Sở Y tế, lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 28/4, toàn tỉnh đã có 4.688 trường hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19. 

Qua tiêm phòng ghi nhận một số dấu hiệu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn... Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, cho biết cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh.

Để đảm bảo tuyệt đối cho chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19, trước đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quy trình tiêm chủng an toàn, kỹ năng tiêm, sử dụng và bảo quản vắc-xin,  xử trí các phản ứng bất lợi sau tiêm cho các cán bộ trực tiếp triển khai chiến dịch của các đơn vị triển khai tiêm của các bệnh viện, TTYT …; tất cả các trường hợp tiêm vắc xin đều được theo dõi sức khỏe kỹ càng.

Đọc thêm