Các tỉnh Tây Nam bộ huy động hàng tỷ đồng triển khai thi công các công trình giao thông

(PLVN) - Năm 2020, với số vốn huy động hàng tỷ đồng, nhiều tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ đã triển khai thi công hàng trăm công trình giao thông nông thôn gắn kết với xây dựng nông thôn mới.

Long An là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ miền Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại; có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Long An đã đáp ứng được nhiều yêu cầu phát triển của tỉnh.

Trong giai đoạn 2015-2020, Long An đã đề ra dự án thực hiện 14 công trình giao thông huyết mạch nằm trên địa bàn các huyện. Song song đó, tỉnh tập trung đầu tư 3 công trình trọng điểm, gồm: Đường tỉnh 830 (đoạn thị trấn Đức Hòa - Cảng Long An); Đường Vành đai TP.Tân An; Đường tỉnh 827E (Trục động lực Tiền Giang -Long An - TP.HCM).

Thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư để hoàn thành các dự án giai đoạn 2015-2020, Long An còn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025, đôn đốc các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh để sớm bàn giao mặt bằng, hoàn thành dự án.

Đường tỉnh 830 tại Long An. Ảnh: Báo Long An
 Đường tỉnh 830 tại Long An. Ảnh: Báo Long An
Cùng mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ để tạo động lực phát triển kinh tế, Tiền Giang đã dành nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như: Cầu Bình Xuân (thị xã Gò Công), cầu Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), cầu Vàm Trà Lọt (huyện Cái Bè) và cầu Long Hưng (huyện Châu Thành).
Theo ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, việc thực hiện phương châm kiện toàn kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước nhằm mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Trong năm 2020, tỉnh huy động trên 2.073 tỷ đồng triển khai thi công 373 công trình giao thông trên địa bàn, trong đó có 465 tỷ đồng đầu tư 354 công trình giao thông nông thôn gắn kết với xây dựng nông thôn mới. Nhờ có sự đầu tư, sử dụng hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Khánh thành cầu Bình Xuân tại Tiền Giang. Ảnh: Mộng Tuyết
 Khánh thành cầu Bình Xuân tại Tiền Giang. Ảnh: Mộng Tuyết

Việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế gắn phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân đã giúp cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Có thể nói, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, các công trình này còn cụ thể hóa chủ trương hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đi trước một bước. Từ đó, nâng cao khả năng kết nối giao thương giữa các vùng, miền trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Những thành tựu đã đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để các tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo chung, qua đó các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đọc thêm