Các tổ chức chống thuốc lá đang làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày càng có nhiều người hút thuốc lá điếu đang ủng hộ các giải pháp giảm thiểu tác hại dựa trên căn cứ khoa học. Trong khi đó, đã có 43/66 quốc gia tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận thương mại hóa thuốc lá làm nóng. 

Điều này cho thấy thế giới đang có cái nhìn tích cực hơn và công nhận thuốc lá làm nóng như một giải pháp giảm thiểu tác hại đối với người hút thuốc lá điếu. Tuy nhiên, một số tổ chức chống thuốc lá chưa đồng thuận với sự lựa chọn này và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bài trừ các sản phẩm giảm thiểu tác hại hiện diện trong chính sách kiểm soát thuốc lá ở một số quốc gia, đặc biệt ở những quốc gia đang nhận tài trợ của họ.          

Đến nhà khoa học cũng bị “rút bài”

Tháng 2/2020, Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAHA) rút lại nghiên cứu về “nguy cơ nhồi máu cơ tim của thuốc lá điện tử” của hai nhà khoa học và cũng là những người vận động bài trừ thuốc lá hàng đầu tại Mỹ là GS. Stanton Glantz và TS. Dharma Bhatta thuộc Đại học California San Francisco. Đây là một trường hợp bị rút bài hiếm hoi trên một tạp chí y học uy tín. 

Theo đó, Ban Biên tập của Tạp chí đã bày tỏ lo ngại về tính chính xác của dữ liệu đối với công trình nghiên cứu về tác động của thuốc lá điện tử lên sức khỏe tim mạch. Cụ thể, phần lớn những người sử dụng thuốc lá điện tử trong quá trình nghiên cứu của hai tác giả này vốn là người đã có tiền sử hút thuốc lá điếu và hiện tại vẫn đang hút thuốc.

Do vậy, kết luận trước đó của nghiên cứu này cho rằng việc sử dụng thuốc lá điện tử và hút thuốc lá điếu sẽ có tỷ lệ phơi nhiễm với nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch là như nhau, đã bị thu hồi không công nhận. 

Thuốc lá điện tử với tinh dầu lậu gây ra đợt bùng phát bệnh phổi. (Ảnh minh họa)
Thuốc lá điện tử với tinh dầu lậu gây ra đợt bùng phát bệnh phổi. (Ảnh minh họa)

Trước đó, các tổ chức chống thuốc lá cũng đã đưa ra những thông tin thiếu đầy đủ về đại dịch EVALI (đợt bùng phát bệnh phổi liên quan đến dùng thuốc lá điện tử với tinh dầu lậu). Thay vì phản đối những hành vi gây hại đến sức khỏe cộng đồng của các tổ chức, cá nhân buôn lậu thì các tổ chức này dùng đây là lý do để hướng các cơ quan quản lý ban hành chính sách cấm cửa những sản phẩm đã trải qua hàng ngàn cuộc thử nghiệm để được khoa học thừa nhận. 

Clive Bates, một chuyên gia về chính sách kiểm soát thuốc lá cũng là cựu Giám đốc tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe - ASH (Anh quốc) cho rằng, những quyết định xoay quanh luật cấm chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Lệnh cấm chỉ làm cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được mua bán trên thị trường chợ đen hoặc thông qua mạng lưới tội phạm.

Các tổ chức chống thuốc lá không chỉ tác động vào căn cứ khoa học mà họ còn thúc đẩy chính phủ các nước đưa ra những quyết sách cấm các sản phẩm thuốc lá không khói tại những thị trường nhận tài trợ của họ, bằng việc soạn sẵn luật định quản lý thuốc lá của quốc gia. 

Cụ thể, tại Mexico, một luật sư viên chức của tổ chức Chiến dịch Vì Trẻ em Không Sử dụng các Sản phẩm Thuốc lá (Campaign for Tobacco-Free Kids), một trong những tổ chức kiểm soát thuốc lá toàn cầu lớn nhất do Quỹ Bloomberg tài trợ, đã “thay mặt Chính phủ Mexico” soạn thảo một văn bản luật hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động nhập khẩu và kinh doanh các thiết bị thuốc lá điện tử. 

Đến nay, Cơ quan Chống thuốc lá trực thuộc Quỹ Bloomberg hoạt động rộng khắp thế giới thông qua nhiều tổ chức khác nhau như HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids, Vital Strategies, The Union…, với mục đích tài trợ cho các quốc gia nhằm có tiếng nói trong các chính sách kiểm soát thuốc lá của nước sở tại.

Chính vì lý do này mà Thủ tướng Narendra Modi - Ấn Độ, đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Quỹ Bloomberg sau khi các cơ quan tình báo trong nước bày tỏ quan ngại về sự chi phối của Quỹ Bloomberg lên chính sách quốc gia.

Khi người trong cuộc lên tiếng 

Theo thống kê chưa đầy đủ, các sản phẩm không khói thay thế thuốc lá điếu, trong đó có thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm snus hiện đã có mặt trên gần 70 quốc gia và đã được hàng chục triệu người trên toàn cầu đón nhận. Điều này minh chứng cho việc ngày càng có nhiều người hút thuốc lá điếu đang ủng hộ các giải pháp giảm thiểu tác hại dựa trên căn cứ khoa học.

Trong báo cáo gần nhất, WHO xác nhận vẫn chưa đạt được 30% cai bỏ thuốc lá điếu như mục tiêu đề ra. Do đó, đứng trước việc can thiệp của các tổ chức chống thuốc lá hướng đến sự bài trừ toàn bộ các sản phẩm không khói, cộng đồng những người sử dụng các sản phẩm thay thế đã lên tiếng để bảo vệ một giải pháp tốt hơn cho sức khỏe của họ. 

Một hội thảo về thuốc lá thế hệ mới được tổ chức với sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ.
 Một hội thảo về thuốc lá thế hệ mới được tổ chức với sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ.

Cụ thể, Mạng lưới Quốc tế các Tổ chức Người dùng Nicotin (INNCO) là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu với hơn 30 nhóm người dùng thành viên, đại diện cho quyền lợi của người dùng tại 6 châu lục, hiện đang kêu gọi các chính sách giảm thiểu tác hại thuốc lá hợp lý, dựa trên nguyện vọng của người dùng và tương thích với chuỗi nguy cơ từ thấp đến cao của từng loại sản phẩm, như một quyền lợi hợp pháp của con người. 

Trong công văn gửi Bộ Y tế Việt Nam vào đầu năm 2021, Samrat Chowdhery, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tổ chức INNCO mong rằng Chính phủ Việt Nam thực thi chính sách “độc lập toàn diện” trong việc kiểm soát các sản phẩm giảm thiểu tác hại thuốc lá. Cơ quan này chia sẻ quan ngại rằng việc không áp dụng các hướng dẫn dựa trên hệ thống căn cứ khoa học sẽ dẫn đến các sản phẩm kém chất lượng và suy giảm tiềm năng phát triển kinh tế. 

Hàng trăm triệu người hút thuốc tại những quốc gia chưa thực hiện chính sách giảm thiểu tác hại thuốc lá cần có quyền đưa ra quyết định về các sản phẩm cung cấp nicotin an toàn hơn, đặc biệt là khi việc này liên quan đến sức khỏe của chính họ. Những giải pháp chính sách quá mức đơn thuần - chẳng hạn như lệnh cấm đối với tất cả các hệ thống cung cấp nicotin bằng thiết bị điện và sản phẩm thuốc lá Giảm thiểu Tác hại, được đề xuất bởi Liên minh Phòng chống Lao và bệnh Phổi Quốc tế (The Union), một tổ chức được Quỹ Bloomberg hỗ trợ tài chính - đang được đưa ra như một công cụ kiểm soát bất hợp lý và không khả thi cho một tình huống đòi hỏi tính thực tế và sắc bén. Điều này cản trở những bước tiến có ý nghĩa và bền vững”, Chowdhery đánh giá.

Trong khi đó, tại Anh, nhóm Nghị viện Tất cả các Đảng (All-Party Parliamentary Group - APPG) kêu gọi Chính phủ Anh thể hiện rõ quan điểm của quốc gia đối với các sản phẩm thuốc lá không khói tại Hội nghị các bên (Conference of the Parties – COP) lần thứ 9 do WHO chủ trì để bàn về Công ước Khung FCTC vào cuối năm nay.

Điểm nổi bật trong báo cáo đề xuất của tổ chức này trình Chính phủ Anh là Công ước Khung FCTC cần được cập nhật nhằm phản ánh những cơ hội sức khỏe cộng đồng tích cực từ các sản phẩm cung cấp nicotin có nguy cơ thấp. Mặt khác, APPG kêu gọi phái đoàn Anh quốc cần cho các nước thấy được những lợi điểm mà các sản phẩm không khói mang lại. Vì lẽ đó, Anh quốc sẽ cần từ chối bất kỳ quyết định nào của FCTC nhằm hạn chế quyền sử dụng các sản phẩm không khói của người hút thuốc lá trưởng thành. 

Đọc thêm