Có thể nói, Luật đã tạo thuận lợi lớn cho người dân
Với tư cách là Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, xin ông cho biết hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố thời gian gần đây có những thuận lợi, khó khăn gì? Hiện trên địa bàn thành phố có bao nhiêu Phòng, Văn phòng Công chứng?
- Đến nay, TP.HCM đã thực hiện khá tốt việc xã hội hóa hoạt động công chứng. Các tổ chức công chứng bao gồm Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng đã có mặt rộng khắp các quận, huyện tại TP.HCM, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có yêu cầu công chứng, cũng từ đó mà các tổ chức công chứng thực hiện tốt hơn việc chăm sóc khách hàng có yêu cầu công chứng, tinh thần, thái độ phục vụ cũng tốt hơn. Tuy nhiên, do kinh tế chưa phục hồi tốt nên hoạt động công chứng cũng có phần ảnh hưởng, giao dịch có yêu cầu công chứng thời gian gần đây cũng ít hơn. Hiện tại TP.HCM có 52 tổ chức công chứng với trên 250 công chứng viên.
Là người trực tiếp hoạt động tại Văn phòng Công chứng Sài Gòn, xin ông cho biết những quy định mới của Luật Công chứng sửa đổi như cho phép công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu; cho phép công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản… có dự kiến tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho công chứng viên không? Người dân sẽ nhận được lợi ích gì từ quy định mới này?
- Quốc hội thông qua Luật Công chứng sửa đổi, cho phép công chứng viên được quyền chứng nhận bản dịch giấy tờ, tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; cho phép công chứng viên được chứng nhận sao y bản chính, chứng chữ ký trong giấy tờ, văn bản của người có yêu cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi to lớn cho người dân khi có yêu cầu thực hiện các loại giấy tờ này.
Hiện nay, khi người dân đến chứng nhận chuyển quyền sở hữu nhà, cho thuê nhà cần sao y thêm một số giấy tờ có liên quan để đăng ký sang tên hoặc nộp thuế thì tổ chức công chứng không làm được, phải hướng dẫn người dân đến Ủy ban nhân dân phường, xã để sao y, đến Phòng Tư pháp thực hiện bản dịch. Nhiều người dân cho rằng như vậy rất bất tiện, gây phiền hà và không cải tiến thủ tục hành chính. Có thể nói Luật Công chứng sửa đổi kỳ này đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân khi có yêu cầu công chứng giấy tờ, bản dịch. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng rất phấn khởi trước các quy định mới của Luật.
Công chứng Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng
Được biết hồi tháng 10/2013, ông là Trưởng đoàn Công chứng Việt Nam tham dự Đại hội Công chứng quốc tế và tại Đại hội này, Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên của Liên minh Công chứng quốc tế. Xin ông cho biết Việt Nam phải tuân thủ những nguyên tắc nào khi gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế và Công chứng Việt Nam đã được những lợi ích gì từ khi gia nhập Liên minh này?
- Tại Đại hội lần thứ 27 của Liên minh Công chứng quốc tế, Công chứng Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng quốc tế. Khi gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế, Công chứng Việt Nam phải cam kết tuân thủ nguyên tắc hoạt động của Liên minh. Đó là: Công chứng viên với tư cách là người được giao quyền lực công phải thực hiện chức năng của mình một cách khách quan, độc lập ngoài hệ thống thứ bậc hành chính của cơ quan nhà nước, bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể pháp luật, giải quyết yêu cầu công chứng đúng pháp luật. Soạn thảo văn bản công chứng đúng ý chí, nguyện vọng của các bên tham gia giao dịch và phải từ chối các yêu cầu công chứng trái pháp luật. Công chứng viên phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức theo Quy tắc đạo đức nghề công chứng do Bộ Tư pháp ban hành. Công chứng viên phải giữ bí mật nghề nghiệp các yêu cầu công chứng.
Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng quốc tế đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của ngành công chứng Việt Nam và sự hội nhập sâu rộng của Công chứng Việt Nam với Công chứng thế giới. Việc gia nhập Liên minh Công chứng quốc tế tạo điều kiện cho công chứng viên Việt Nam tiếp cận học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề công chứng với các bạn đồng nghiệp ở các nước có hoạt động công chứng lâu đời như Cộng hòa Pháp hoặc Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật… và điều này góp phần đưa công chứng Việt Nam ngày càng phát triển.
Xã hội hóa là phù hợp với xu hướng công chứng quốc tế
Có người cho rằng hoạt động công chứng ngày càng khó khăn, nhất là đối với các Văn phòng Công chứng mới thành lập, ông có cho rằng việc phát triển quá nóng các tổ chức hành nghề công chứng thời gian qua cũng khiến cho bức tranh công chứng ở nước ta càng thêm khó quản và phức tạp hơn không?
- Việc xã hội hóa hoạt động công chứng theo Luật Công chứng là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính ở nước ta và được người dân đồng tình và hưởng ứng. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng cũng phù hợp với xu hướng Công chứng quốc tế mà Công chứng Việt Nam vừa tham gia.
Ở mỗi địa phương, theo quy định của Chính phủ thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Đề án phát triển nghề công chứng trên địa phương mình. Tuy nhiên, việc xã hội hóa hoạt động công chứng là việc làm mới, chưa có tiền lệ, tình hình kinh tế, xã hội lúc này có khó khăn nên một số Đề án của vài nơi chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến phát triển quá nóng các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, từ đó làm phát sinh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng có thể gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và phát sinh tranh chấp do chạy theo thu nhập mà chứng nhận văn bản chưa thực sự phù hợp pháp luật.
Theo ông, để các tổ chức hành nghề công chứng phát triển đúng theo Quy hoạch và phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần có những giải pháp và điều chỉnh gì?
- Theo tôi, việc quy hoạch phát triển tổ chức nghề công chứng ở từng địa phương là cần thiết để đảm bảo cho người dân ở vùng sâu, vùng xa khi có yêu cầu công chứng cũng được phục vụ kịp thời, tiện lợi. Ở nơi nào không có Phòng Công chứng thì Nhà nước có thể tổ chức Phòng Công chứng để phục vụ cho nhân dân.
Ở nơi nào đã có Văn phòng Công chứng thì Nhà nước cũng có thể chuyển đổi hoặc giải thể Phòng Công chứng để tinh giản biên chế, bộ máy, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Việc phát triển thêm tổ chức hành nghề công chứng trên từng địa bàn phải căn cứ trên sự phát triển kinh tế, xã hội của địa bàn đó, không nên phát triển tràn lan dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Mặt khác, từng tổ chức công chứng tự mình cũng phải rà soát lại tinh thần, thái độ phục vụ người dân, phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ các yêu cầu công chứng một cách đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên yêu cầu công chứng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Nam là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng quốc tế (UINL)
Ngày 9/10/2013, trước sự chứng kiến của gần 1.000 đại biểu đến từ các nước và vùng lãnh thổ thành viên Liên minh Công chứng quốc tế, Đại hội toàn thể của Liên minh Công chứng quốc tế đã chính thức kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng quốc tế.
Liên minh Công chứng quốc tế là một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy sự phối hợp và phát triển của công chứng viên toàn thế giới, hình thành bởi 19 quốc gia tại thời điểm thành lập vào năm 1948 và hiện nay đã có gần 90 quốc gia thành viên, trong đó có 21/27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, 15/19 quốc gia thành viên G20. Việt Nam là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng quốc tế.