Người bỏ làng, nhà bỏ hoang vì “bão“ ung thư

(PLO) - Nỗi ám ảnh người dân sống ở hai thôn Liên Tiến và Đồng Sơn (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) không phải là cái đói, cái nghèo hay sự khắc nghiệt của thời tiết. Đó là nỗi hoang mang từ những cái chết dần mòn, đau đớn vì căn bệnh ung thư liên tiếp xảy ra ở làng quê này.
Ông Hiền bị ung thư gan, vợ bị ung thư thực quản.
Ông Hiền bị ung thư gan, vợ bị ung thư thực quản.
Trong vòng sáu năm trở lại đây, danh sách người mắc và chết vì ung thư trong làng ngày càng tăng. Nỗi sợ hãi âm ỉ theo đó cũng ngày một lớn trong lòng người dân. Sau lúc tất bật mưu sinh, ai cũng sợ một ngày nào đó đến lượt mình nhận “án tử” vì mắc bệnh này. 
Một tháng, bốn lần đưa tang người bị ung thư
“Làng ung thư” vào một buổi chiều nắng nhẹ, thời tiết đẹp không ăn nhập gì với nỗi khắc khổ, lo sợ của những người dân nơi này khi nhắc đến người chết, bệnh tật. Bà Phạm Thị Thân (thôn Liên Tiến) ngoài 50 tuổi, đã bốn lần đưa tang người thân qua đời vì ung thư. Đôi mắt ráo hoảnh nhưng khuôn mặt hằn lên bao đau xót, bà nói: “Bốn cái chết trong một gia đình và không ai vượt qua tuổi 40. Tôi không nghĩ mình có thể sống được để chứng kiến chừng ấy nỗi đau”. Người phụ nữ thẫn thờ chỉ lên bàn thờ đang nghi ngút hương khói. Không khí trầm lặng bao trùm cả ngôi nhà. Trên bàn thờ là di ảnh những người còn rất trẻ, gồm cả em trai và con trai bà Thân.
“Bão” ung thư đã “đổ bộ” về làng khiến cho hàng nghìn người dân sống trong hai thôn này hoang mang, lo sợ. Bệnh ung thư “tấn công” cả người trẻ lẫn người già, cả đàn ông, đàn bà, làm nhiều gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần, neo đơn. Chị Phan Thị Anh (Bí thư chi bộ thôn Liên Tiến, xã Mai Phụ) chia sẻ: “Sợ lắm, có tháng chúng tôi phải đưa tang mấy người, đều chết vì ung thư. Họ đang là người khỏe mạnh, lao động bình thường bỗng dưng bị ốm nặng, đi bệnh viện khám mới biết mắc bệnh. Có người tháng này đi khám về phát hiện bệnh thì tháng sau đã chết”.
Những căn nhà bỏ hoang do chủ nhân đã qua đời hoặc bỏ đi vì sợ bị ung thư.
Những căn nhà bỏ hoang do 
chủ nhân đã qua đời hoặc bỏ đi vì sợ bị ung thư. 
Men theo con đường làng, chúng tôi ghé thăm nhà ông Phạm Bá Hiền, vừa bước sang tuổi 60, bị ung thư gan. Mặc dù sức yếu nhưng ông Hiền vẫn gắng gượng kể về hoàn cảnh của mình. Khi thấy sức khỏe không ổn, ông đi khám bệnh mới phát hiện đã bị ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian sống còn lại chỉ đếm từng ngày. Ông Hiền tỏ ra khá điềm tĩnh khi nói về “án tử” đang treo lơ lửng trên đầu mình, nhưng lại xót thương khi nói đến người vợ (50 tuổi) cũng đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư thực quản. 
Một nhà, 5 “án tử”
Ông Lê Chắt - Trưởng thôn Liên Tiến cho biết, trước năm 2000 ở địa phương này rất ít người bị chết vì ung thư. Nhưng 6 năm trở lại đây, số người mắc bệnh và qua đời vì bệnh này tăng rất nhanh và ngày càng trẻ hóa, có trường hợp một gia đình có 5 người thì cả 5 đều bị ung thư các kiểu. “Theo nhẩm tính của tôi, 2 năm gần đây, có tháng tới 4 người chết. Riêng trong năm 2013, trên địa bàn 2 thôn Liên Tiến và Sơn Phú có hơn 10 người chết vì mắc bệnh này” - ông Chắt cho biết.
Điển hình như gia đình bà Lê Thị Tuyết, gia đình anh Lê Văn Tuấn, mỗi nhà đều có 5 người mắc bệnh. Theo ông Lê Chắt: “Trong nhiều trường hợp, các gia đình có người bị bệnh ung thư đều ở liền kề nhau”. Điều đáng nói là số người chết và mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, trường hợp nhiều tuổi nhất là 70 tuổi và trẻ nhất mới 22 tuổi. Đặc biệt, ở thôn Liên Tiến có gia đình cha chết vì ung thư dạ dày, không lâu sau con trai cũng đột ngột qua đời vì ung thư gan.
Cũng vì ám ảnh bởi những cái chết này, hiện nay nhiều căn nhà và khu vườn của một số hộ dân ở thôn Liên Tiến chỉ dùng làm nơi đặt bàn thờ những người xấu số trong gia đình, người còn sống đã bỏ đi nơi khác. Trong nhà hoang vắng, ngoài sân cỏ mọc um tùm. Không biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt người bị ung thư khiến người dân hoang mang, sợ hãi không biết khi nào sẽ đến lượt mình, đành tự an ủi “Trời kêu ai, nấy dạ”.
Khao khát nước sạch
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây bệnh, song theo người dân trong xã, “thủ phạm” là nguồn nước bị ô nhiễm. Chị Phan Thị Anh (thôn Liên Tiến) tâm sự: “Trước đây, người dân cả xã đều ăn uống bằng nước giếng, vì nước giếng múc lên rất trong, không ai nghi ngờ gì. Nhưng khoảng 6 năm trở lại đây, dân không dám ăn uống nước giếng do thấy nhiều người bị mắc bệnh ưng thư, ai cũng nói do nguồn nước bị ô nhiễm. Bây giờ nước giếng người dân chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ”. 
Nhiều gia đình ở Mai Phụ đang dùng hệ thống lọc nước thủ công này.
Nhiều gia đình ở Mai Phụ đang dùng hệ thống lọc nước thủ công này. 
Người dân phải hứng nước mưa để dùng, hoặc hàng ngày phải đi bộ sang các vùng lân cận gánh nước về. Nhà có điều kiện thì mua nước với giá rất đắt, từ 80.000 đến 120.000 đồng/m3, cao gấp nhiều lần nước sạch Nhà nước bán. “Chúng tôi chỉ mong có nước sạch để dùng mà chờ đợi nhiều năm nay chưa thấy đâu. Nước sạch đối với chúng tôi giờ đây thực sự trở thành thứ quý hiếm” - bà Nguyễn Thị Liên nói.
Ông Lê Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cũng xác nhận: “Trong vòng vài năm trở lại đây, trên địa bàn hai thôn Liên Tiến và Đồng Sơn, người dân liên tục mắc phải những căn bệnh nan y như ung thư dạ dày, phổi, gan, vòm họng, thận... Khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn cuối. Nguyên nhân của các căn bệnh trên có thể là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng”.
Trước đây ở gần khu vực thôn Liên Tiến và Đồng Sơn là nơi chôn thuốc bảo vệ thực vật, chứa hóa chất DDT và 666 rất độc hại. Theo ông Lê Doãn Chính - giảng viên Khoa Hóa học, hiện đã nghỉ hưu và sống ở thôn Liên Tiến, nguyên nhân nhiều người mắc bệnh ung thư có thể do nguồn nước bị ô nhiễm chất Asen, có trong một loại thuốc trừ sâu được sản xuất từ những năm 1960.
Tuy nhiên, khi chưa có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể từ phía các cơ quan chuyên môn, hàng nghìn hộ dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào sự quan tâm của các ngành chức năng để sớm đưa dự án nước sạch về với dân làng. Năm 2012, một vị Thứ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là một người con của quê hương Mai Phụ, đã về thăm và tặng cho bà con trong xã 3 hệ thống lọc nước, nhưng cũng chỉ đủ nguồn nước sạch cung cấp cho khoảng 20 hộ dân. Các hộ còn lại đành tự nghĩ cách tự cứu mình./.

Đọc thêm