Một phương án mới gây bất ngờ, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự kiến có chủ trương giao cho một số trường trọng điểm được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh: Tự tổ chức thi, tự ra đề, tự chấm... cho phù hợp với tiêu chí từng trường. Song nhiều người lo ngại, “kiểu mới” này sẽ lại quay về “lối cũ” như 10 năm trước...
Trường tốp đầu được thi riêng?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức các cuộc hội thảo rộng rãi để tìm ra phương án tuyển sinh hợp lý. Một phương án mới mà Thứ trưởng Ga nêu ra là có thể chỉ tổ chức thi một lần với một số môn quy định. Theo Thứ trưởng Ga, nếu chỉ còn một đợt thi thì gánh nặng đối với gia đình và xã hội sẽ giảm đi.
Giải thích về ý tưởng này, Thứ trưởng Ga đưa ra ví dụ: Các trường cao đẳng (CĐ) không nhất thiết phải thi mà chỉ lấy kết quả thi đại học (ĐH) để xét tuyển hoặc hiện ĐH đang thi riêng các khối A, B, C, D, có thể sau này sẽ thi chung một khối với số môn thi tăng lên để thí sinh tự chọn. Như vậy, thay vì ba đợt thi như hiện nay thì chỉ cần một đợt thi để có kết quả xét tuyển vào tất cả các trường.
|
Một cơ sở luyện thi |
Tuy nhiên, ngược hẳn với chủ trương năm 2011 vẫn giữ ổn định kì thi “ba chung” hoặc tiến tới “một chung”, mới đây, Bộ đưa ra một phương án khá bất ngờ, đó là trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Bộ dự kiến thí điểm trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH trọng điểm như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương.
Theo chủ trương này, các trường ĐH trọng điểm trên sẽ được hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh. Cụ thể là các trường này sẽ tổ chức kỳ thi riêng, tự ra đề, tự chấm thi và tuyển sinh theo yêu cầu của trường mình.
Có quay về “lối cũ”?
Thực tế, trong những hội nghị tuyển sinh gần đây, bên cạnh việc nhiều trường vẫn ủng hộ giải pháp “ba chung” thì cũng đã có không ít trường bày tỏ nguyện vọng được tự chủ trong tuyển sinh để tuyển được sinh viên có chất lượng đúng theo mong muốn.
Và như vậy, những trường được dự kiến thí điểm giao quyền tự chủ lần này là những trường thuộc tốp đầu, hằng năm có số lượng thí sinh đăng ký dự thi không cao, nhưng điểm trúng tuyển thường rất cao - không đại diện cho số đông. Theo phân tích của một chuyên gia tuyển sinh lâu năm, nếu để giảm tải thì đây không hẳn là một phương án hay bởi các trường này có số thí sinh dự thi rất hạn chế vì chỉ những em tự tin với khả năng của mình mới đăng kí vào những trường này.
Hơn nữa, kì thi sẽ được tổ chức vào thời điểm nào: Trước, sau, hay trùng với ngày Bộ GD&ĐT tổ chức thi “ba chung”? Nếu thi khác ngày thì sẽ lại trở về phương án mà 9 năm trước xã hội đã “kêu”: Nhà nhà đi thi, một thí sinh có thể thi tối đa tới... chín trường trong một mùa tuyển sinh - là nguyên nhân để xuất hiện “ba chung” như hiện nay. Còn nếu thi trùng ngày với các trường khác thì nếu thí sinh không trúng tuyển ở các trường được tự chủ sẽ rất mong manh khi xét tuyển ở những trường khác, bởi mỗi trường tổ chức một kỳ thi tuyển sẽ có tiêu chí riêng để tuyển chọn thí sinh vào trường mình?
Về phía các trường được dự kiến giao quyền tự chủ, ông Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định đây là chủ trương tiến bộ, tuy nhiên đòi hỏi có thời gian chuẩn bị. Trước mắt, năm tới ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn tổ chức thi tuyển theo phương án “ba chung”. Một lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cũng cho rằng nếu thi riêng, rất có thể lại xảy ra tình trạng đề trường này dễ, đề trường kia khó, các trường không “công nhận” đề thi của nhau và sẽ rất khó cho các thí sinh khi chuyển đổi trường nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã dự thi.
Một vấn đề nữa khiến các trường lo ngại, đó là nếu được giao quyền tự chủ thì tình trạng các trung tâm luyện thi sẽ lại “tát nước theo mưa” nở rộ như 10 năm trước đây. Được biết, các dự kiến cho kỳ tuyển sinh năm 2011 sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thi và tuyển sinh tổ chức trong thời gian tới.
Thi tốt nghiệp: chủ yếu trong chương trình lớp 12 Bộ GD&ĐT vừa có thông báo về Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2011. Theo đó, về hình thức thi - Thi theo hình thức tự luận: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Thi theo hình thức trắc nghiệm: Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật). Môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 (trong số các môn nêu trên) sẽ được thông báo cụ thể vào cuối tháng 3/2011. Về nội dung đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, dành khoảng 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Đối với phần tự chọn (nếu có) trong đề thi thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn, nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý, thí sinh cần đọc kỹ phần đề thi để không lãng phí 50% kiến thức trong chương trình lớp 12. |