Cùng với những chiến công hiển hách, cách mạng thành công còn ghi nhận sự kết hợp hài hòa trong cách dụng trí thức, để rồi các trí thức đã đi theo tiếng gọi của cách mạng, cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngày đại thắng.
Theo GS.VS Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, công tác vận động trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ cách mạng đã trở thành tư tưởng chủ đạo và rất cần thiết vận dụng vào trong các chính sách với trí thức hiện nay.
Vận động, thuyết phục
GS Đặng Vũ Minh nhắc lại câu chuyện của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa. Từ năm 1935, ông Nghĩa đi du học tại Pháp và ở lại Pháp làm việc tại Viện Nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện Nghiên cứu vũ khí. Tháng 5/1946 Bác Hồ đã qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet. Sau đó, ông Nghĩa theo Bác Hồ về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc. Cái tên Trần Đại Nghĩa cũng là do Bác Hồ đặt cho ông và trực tiếp giao cho làm Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự), Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam năm đó.
Bác Hồ và GS Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu. |
Giáo sư Đặng Vũ Minh tâm đắc với cách vận động trí thức khi đất nước đang trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trí thức đang học tập, làm việc tại nước ngoài nhưng bằng sự chân thành với tấm lòng yêu nước trên hết, Bác đã vận động, thuyết phục họ trở về cống hiến cho quê hương.
Từng nghiên cứu nhiều tài liệu về trí thức xưa và nay, GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, bày tỏ sự ngưỡng mộ với bậc đại anh hào. Ông cho rằng, người trí thức có vốn kiến thức rộng, lại thêm cái chí khí nên phải có người rất tài mới sử dụng được những người tài cho đúng. Điều này đã có ở con người Bác và Người đã thành công. “Bác không chỉ trọng người trí thức mà còn xếp họ đúng việc, đúng khả năng và trao quyền để họ biết được họ là cần thiết cho đất nước”, GS Chu Hảo nói.
Tín nhiệm và trọng dụng
Một trong những ví dụ tiêu biểu là trường hợp ông Phan Anh, người đã được Bác tin cậy giao chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Phan Anh từng kể lại, ông không phải là đảng viên, nhưng cộng tác với Đảng. Trong Chính phủ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và để cho ông chủ động tìm những cục trưởng của 7 - 8 cục. Những người này đều là anh em trí thức, trong đó chỉ có một người là đảng viên. “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức”, ông Phan Anh nói.
Theo GS Đặng Vũ Minh, điều dễ nhận thấy là Bác không chỉ tin cậy, trân trọng nghe ý kiến mà còn rất quan tâm đến từng vấn đề nhỏ, những khó khăn, hoàn cảnh cụ thể của từng người để tạo điều kiện cho trí thức làm việc tốt hơn. Hầu như không có một trí thức lớn nào làm việc cho Chính phủ mà không từng được Bác Hồ gửi thư thăm hỏi, gửi quà, gửi áo, gửi thuốc, khi có điều kiện thì tới thăm, xem xét từ chỗ ăn, chỗ ở, điều kiện làm việc. Đó là một liều thuốc trường sinh rất mạnh đối với tâm hồn những trí thức Việt Nam.
Từ cách nhìn đó, Bác đã mạnh tay sử dụng trí thức trong bộ máy Nhà nước. Nhờ đó mà sau cách mạng, tất cả các lĩnh vực như tổ chức chính phủ, phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp, phát triển văn hóa - giáo dục… đã có những bước chuyển biến thần kỳ trong những điều kiện vô cùng khó khăn.
Cần vận dụng linh hoạt
Trong đề tài nghiên cứu về Dân chủ và Trí thức thuộc đề tài KX.04 - 27/06 – 10 do GS Chu Hảo thực hiện đã chỉ ra, tầng lớp trí thức (intelligentsia) là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc.
Nói như vậy, trách nhiệm của trí thức là bằng kiến thức của mình, phân tích các vấn đề thấu đáo, nhiều chiều và đưa ra chính kiến. Tuy nhiên, theo GS Đặng Vũ Minh, khi Cách mạng thành công, đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới đòi hỏi một sự vận dụng chính sách vận động, tập hợp trí thức một cách linh hoạt. Để trí thức gắn bó với đất nước, người lãnh đạo cần phải tạo điều kiện để họ có thể được đóng góp, phát huy trí tuệ. Với những ý kiến tư vấn, phản biện của trí thức nói chung cũng như các chuyên gia về khoa học công nghệ nói riêng, dù thuận hay ngược nhưng nếu các nhà quản lý nhìn trên góc độ thiện chí, vì lợi ích chung của cả dân tộc, của cả đất nước, chắc chắn sẽ tận dụng được sức mạnh của trí tuệ.
Sau hết là câu chuyện về sự đãi ngộ. Ngay từ năm 1955, trong những năm tháng đầu tiên sau kháng chiến, giữa lúc còn bề bộn với biết bao công việc, Nhà nước đã phong chức danh giáo sư đợt đầu tiên cho 13 trí thức, phần lớn trong số đó đã có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, như GS. Tạ Quang Bửu, GS. Đặng Văn Ngữ, GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Thai Mai… Những giáo sư này đã tiếp tục có những cống hiến xuất sắc cho đất nước. “Đối với trí thức thì đãi ngộ về vật chất cũng quan trọng, họ cần có mức lương tương xứng để yên tâm nghiên cứu. Bên cạnh đó nhiều khi, một lời động viên đúng lúc, một cách cư xử chân tình hay một hình thức khen thưởng kịp thời cũng có tác dụng không kém”, GS Minh nói.
Nguồn: Báo Đất Việt