Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đây là cuộc đấu tranh mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á và châu Phi trong khối thuộc địa Pháp và là dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam tham gia vào hệ thống Xã hội chủ nghĩa sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
Thống nhất trong Đảng
Trước khi nổ ra cuộc cách mạng “long trời lở đất” vào tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và quan trọng nhất là các nguyên tắc chỉ đạo cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Đảng đã đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu.
Hội nghị đã chủ trương tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và nêu thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, thực hiện “người cày có ruộng”. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám là một trong những nhân tố quyết định thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.
Đến đầu tháng 8/1945, tình hình chuyển biến rất nhanh. Trước tình hình khẩn cấp, từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang. Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh tiến vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật.
Hội nghị đã phân tích, đánh giá, cân nhắc tình hình cách mạng Việt Nam; nhận định tương quan lực lượng giữa phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo với các thế lực thù địch cũng như các thế lực có liên quan, từ đó quyết định nhiều vấn đề trọng đại của cao trào cách mạng đất nước.
Những nguyên tắc nổi bật chỉ đạo hành động cách mạng được Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: “Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”.
Sau Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16/8/1945), nhận định và nắm bắt đúng thời cơ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho đồng bào toàn quốc kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên? Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Nhờ sự tuân thủ nghiêm và bảo đảm hiện thực hóa đầy đủ các nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã góp phần quan trọng vào thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Sau này, nhận định về vấn đề lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Đoàn kết trong dân
Dưới ngọn cờ cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, sức mạnh quật cường, tinh thần sáng tạo của nhân dân được nhân lên gấp bội. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh nêu rõ: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Trong năm 1943-1944, Tổ chức Việt Minh phát triển mạnh trong các nhà máy, trường học và trên nhiều đường phố. Quần chúng nhân dân được tổ chức thành các đoàn thể cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…
Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25-8-1945. (Ảnh Tư liệu). |
Khi sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” hội tụ thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức cùng các tầng lớp lao động khác đã tạo nên động lực chủ yếu của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bạc Liêu…
Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn, thành bại của cách mạng nước nhà. Người luôn căn dặn: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ.
Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay và tiếp tục được Đảng ta vận dụng, nâng lên tầm cao mới.
Nhắc tới tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc”.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh 2/9 là dịp để nhân dân cả nước tiếp tục khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân tộc đoàn kết, tiếp tục học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững bước đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn.
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là tư tưởng ở tầm chiến lược và luôn nhất quán từ đầu đến cuối. Hiện nay, khi khi Đảng ta đang đẩy mạnh chống suy thoái, củng cố lực lượng và lấy lại niềm tin của nhân dân thì không gì tốt hơn là bằng sức mạnh đoàn kết.
Với hơn 150 tài liệu, hiện vật và những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử, trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2-9” đã khai mạc vào sáng 18/8. Phần trưng bày với chủ đề “Sức mạnh dân tộc” giới thiệu đến công chúng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu gồm các nghị quyết, chỉ thị, những sưu tập báo chí, truyền đơn, vũ khí, cờ… thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, đã đoàn kết một lòng, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trưng bày chủ đề “Ngày Độc lập 2-9” giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện ngày 2/9/1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng ký ức, những câu chuyện kể của một số nhân chứng lịch sử. Đặc biệt, lần đầu tiên trưng bày giới thiệu đến công chúng hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 2/9/1945 đến ngày 17/10/1945.
Cũng trong sáng 18/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử”. Triển lãm gồm 3 phần: “Mùa thu lịch sử”; “Sức mạnh niềm tin”; “Tiếp bước vinh quang”. Khánh Chi