Cách nào giải tỏa bức xúc người dân trong bồi thường đất?

Người dân bức xúc ở chỗ, sau khi bị thu hồi đất và nhận tiền bồi thường thì họ bị đẩy ra ngoài cuộc phát triển, dự án là của các nhà đầu tư. Bất cập thứ hai của việc bồi thường bằng tiền một lần đã khiến giá trị bồi thường đội lên rất cao, cao đến mức chiếm tới 80% kinh phí của dự án...
Nhiều ý kiến cho rằng hiện việc xác định giá đất để tính bồi thường là theo giá thị trường, vậy nhưng NĐ 69 không có một câu nào quy định làm thế nào để tính theo giá thị trường?. Quy trình nào để định được giá theo giá thị trường?.
Và như vậy, mỗi địa phương làm một kiểu khác nhau, không có sự thống nhất trên toàn quốc. Chẳng hạn, theo Nghị quyết của HĐND TP. Hồ Chí Minh thì sử dụng dịch vụ định giá, một Trung tâm định giá của Bộ Tài chính định giá bước đầu, sau đó đưa ra Sở Tài chính tổ chức thẩm định và trình UBND quyết định. Nhưng Hà Nội thì khác, tại một số quận mới phát triển như Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy... lại tính theo bảng giá của UBND thành phố, sau đó nhân với hệ số tùy từng quận xác định....
Quang cảnh một vụ cưỡng chế đất
Quy định về cưỡng chế: Quá hời hợt
Bất cập dễ thấy nhất của NĐ 69 là quy định về cưỡng chế quá hời hợt, hay nói cách khác là đề cập một cách không đủ trách nhiệm. Điều kiện nào để được cưỡng chế?. Cách thức cưỡng chế như thế nào? Lực lượng cưỡng chế ra sao, được lấy những ai... những vấn đề này không được nói đến.
Một cán bộ nguyên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận xét: “Câu chuyện cưỡng chế mình cứ nói cho qua chuyện nhưng thực sự thì đây là chuyện lớn và hết sức phức tạp, rất cần sự cẩn trọng trong khi thực hiện.
Bởi trước sự không đồng ý của người dân mà phải dùng đến biện pháp cưỡng chế thì rõ ràng cách cư xử, một mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và người dân không hay. Nhưng NĐ 69 nói đến điều này quá mờ nhạt và gần như các địa phương muốn thực hiện cưỡng chế như thế nào cũng được”.
Tất nhiên, cưỡng chế còn có quy định của pháp luật hành chính, nhưng cưỡng chế trong đất đai thì các địa phương lại chủ yếu dựa vào pháp luật đất đai. Còn trình tự thủ tục cưỡng chế ra sao, cần lực lượng nào thì nói rất ngắn gọn trong thủ tục cuối cùng, đó là khi quyết định hành chính ban hành mà người dân không chấp nhận thì thực hiện việc cưỡng chế.
Theo NĐ 84/2007, Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày UBND cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi.
Quy định này cho phép người dân có quyền khiếu nại nếu việc thu hồi đất không đúng pháp luật về thẩm quyền hoặc về căn cứ thu hồi. Đây là quy định mang tính ưu việt để bảo vệ quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, quy định tích cực trên đã bị bãi bỏ bởi NĐ 69, đồng nghĩa với đó là người dân không được quyền khiếu nại về quyết định thu hồi đất....
Bồi thường cao cũng chưa bằng giá thực tế
NĐ 69 đưa ra cơ chế hỗ trợ ổn định cuộc sống quy về thang bậc tính theo giá trị đất đai (quy thành tiền và cũng có thể hỗ trợ đất dịch vụ, đất nhà ở). Nhưng hỗ trợ bằng tiền hay bằng đất là tùy từng khả năng của các địa phương. Việc hỗ trợ này được tính bằng 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp (nhưng mức nào là do UBND các tỉnh quy định). Riêng điều này đã gây ra sự so sánh giữa các địa phương. Mặt khác, việc quy về giá trị dẫn tới hầu hết các địa phương chọn phương án bồi thường bằng tiền một lần. 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang:
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở một số dự án chúng ta chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng...
Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Chính phủ sơ kết và đánh giá lại trong quá trình ban hành NĐ 69 để Chính phủ tiếp tục xem xét và sửa đổi những vấn đề chưa hợp lý...  
Sửa đổi Luật Đất đai lần này phải đặt lợi ích của người dân trong lợi ích của Nhà nước, hài hòa với lợi ích DN.

Người dân bức xúc ở chỗ, sau khi bị thu hồi đất và nhận tiền bồi thường thì họ bị đẩy ra ngoài cuộc phát triển, dự án là của các nhà đầu tư.

Bất cập thứ hai của việc bồi thường bằng tiền một lần đã khiến giá trị bồi thường đội lên rất cao, cao đến mức chiếm tới 80% kinh phí của dự án, tiền làm dự án có khi chỉ chiếm 20%, trong khi khiếu kiện của người dân vẫn nhiều và bức xúc, bởi giá bồi thường dù cao cũng không bằng giá đất thực tế.

“Đấy là bất cập thực sự, về phía Nhà nước cũng khó khăn mà người bị thu hồi đất cũng chưa thỏa mãn. Việc này tôi cho là NĐ 69 chưa thành công khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư dưới dạng quy về thành tiền một lần”- một chuyên gia bất động sản nhận xét.

Những bất cập này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ của các dự án, đặc biệt là khiếu nại của người dân ngày một gay gắt. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Bộ TN&MT  rà soát và xử lý các vướng mắc, tồn tại của các địa phương khi triển khai thực hiện NĐ 69/CP.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý việc sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp thực hiện cưỡng chế khi người bị thu hồi đất không nhận tiền chi trả về bồi thường, hỗ trợ, không nhận nhà ở, đất ở tái định cư...
Không rõ, Bộ này sẽ tham mưu cho Chính phủ những kế sách gì mang tính đột phá trong thời gian tới, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, một khi những vụ án tồn đọng vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng và triệt để thì chừng đó cơ chế về đền bù, hỗ trợ tái định cư trong giải phóng mặt bằng vẫn chưa hy vọng có thể rõ ràng và minh bạch…
Vân Anh

Đọc thêm