Thương nhau lắm, cắn nhau đau. Ông bà ta ngày xưa đã khẳng định như vậy. Điều này quả là chí lý, nhất là khi vợ chồng giận nhau. Lúc đó, cả hai chỉ muốn làm khổ nhau cho... bõ tức.
Giận rồi ai đi đường nấy
"Giờ này mà không chịu về nhà. Nhà có người ở mà như nhà hoang!".
Mở tung cánh cửa, Hải An bực tức trong bụng. Đã 8 giờ tối rồi mà Minh Lâm, chồng cô, vẫn còn bù khú với bạn bè tận đâu đâu. Căn phòng không đèn điện, tối om.
"Ôi trời ơi, gì thế này?", An hét lên, bực tức khi nhìn vào phòng tắm. Một mớ đồ bẩn, cái lọt thỏm trong bồn tắm, cái rơi vất vưởng ngoài sàn. Rồi nào tăm xỉa răng, bông lấy ráy tai nằm ngổn ngang trên la-va-bô.
Thu dọn xong chiến trường do ông chồng yêu quý của mình gây ra, An mệt lử, vào phòng đóng kín cửa.
Mười giờ, Minh Lâm lò dò về nhà, gõ cửa phòng cả chục lần mà vợ không chịu mở cửa. Tức khí, anh hét lên: "Em cứ ở trong đó đi nha. Tưởng không có phòng, anh không thể ngủ chắc!".
Sau một hồi không nghe tiếng động của chồng, Hải An mới bước ra mở cửa. Liếc mắt ngó quanh, không thấy chồng đâu, An rón rén bước ra phòng khách. Không có chiếc xe của Lâm trong nhà.
"Lại đi nữa rồi! Được, anh tưởng chỉ mỗi anh là qua đêm bờ bụi thôi hả! Thử coi ai hơn!".
An nhét vội đồ mặc ở nhà vào giỏ sách. Xong, cô phóng xe ra đường. "Đi đâu bây giờ đây?". An sực nhớ đến nhỏ Lan bạn thân, "nhưng ngủ nhà nhỏ ấy phiền cho vợ chồng nó quá!".
Nghĩ vậy, An cứ chạy lòng vòng khắp nơi, cô chẳng biết đi đâu vào đêm hôm khuya khoắt thế này. Đây là lần thứ bao nhiêu vợ chồng giận nhau, An không nhớ nữa. Chồng bỏ đi, cô cũng tức khí phóng xe ra đường. Căn nhà của hai người lại một đêm vắng chủ.
Xe chạy ngang qua công ty, An sực nhớ ra điều gì, cô tạt vào. Viện cớ công việc cuối năm chưa giải quyết xong, cô xin bảo vệ lên phòng làm tiếp.
"Thôi, ngủ ở đây còn hơn lang thang suốt đêm!". An tự an ủi mình, An trải chiếu, lôi gói ra, dỗ mình vào giấc ngủ. Vậy mà có ngủ được đâu, nỗi ấm ức vì bị chồng bỏ rơi cứ giày vò cô. Gần sáng, An mới chợp mắt.
"Trời đất ơi, công việc lên xuống gì mà ngủ lại tòa soạn luôn vậy em?", sếp ngạc nhiên khi nhìn thấy tóc cô bù xù, gương mặt thất thần, hai hốc mắt sâu hoắm vì bị mất ngủ.
Đến lúc này, mọi uất ức trong An được thể tuôn trào ra hết.
"Vợ chồng em giận nhau, chán về nhà, ghét nhìn mặt hắn, về nhà mẹ ruột sợ bị mắng, ngủ ở nhà bạn thân thì ngại nên em lên cơ quan tạm lánh". Đến lúc này, bà sếp của An chỉ còn biết trêu cô: "Gần 30 tuổi đầu mà vợ chồng như trẻ con ấy nhỉ?".
Hết hai đêm ngủ ở cơ quan, An mới chịu về nhà sau khi chồng cô xuống nước, dỗ ngọt cô. Nhìn gương mặt bơ phờ của vợ, anh siết cô vào lòng, mắng yêu: "Từ nay anh không đi nữa, vì có người bắt chước! Nhỡ có ai bắt cóc em, anh mất vợ như chơi".
Sẩy nhà, ra chỗ tối
Giận nhau, nổ xe máy đi tìm những khoảng trời riêng, đó chỉ là một hành động bộc phát. Thế nhưng có lúc nó sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được.
Trước lúc giặt đồ cho chồng, chị Mỹ luôn cẩn thận lục kỹ túi trước, túi sau của anh để lấy ra các giấy tờ anh bỏ sót. Hôm nay anh Hòa, chồng chị, đi làm mà quên ví trong túi quần ở nhà. Sơ sẩy trong lúc lục túi thế nào, chị Liên để chiếc ví rơi tòm vào máy giặt, ướt nhèm. Chị phải lôi tất cả các thứ trong ví ra để phơi khô.
Khi lục đến cạn ví, chị Liên mắt trợn tròn, miệng há hốc như sắp hét lên. Kẹt sâu trong khe ví là hai chiếc vỏ OK đang nằm e ấp thin thít ở đấy.
Vậy là mọi chuyện vỡ lẽ. Đến tối chồng về, chị làm một trận tơi bời, khóc lóc bù lu bù loa. Liên trách chồng lừa dối vợ con. Còn chồng chị im lặng chẳng biết nói gì.
Vì anh Hòa không giải thích được lý do sự xuất hiện của hai vỏ bao OK, nên cuối cùng vợ chồng họ đành đưa nhau ra tòa. Trước tòa, anh Hòa mới bộc bạch tâm trạng của mình.
Sau mỗi lần giận nhau, chị Liên thường làm mặt lạnh với chồng, chiến tranh lạnh mất mấy ngày, lúc nghiêm trọng thì cả tuần, nửa tháng. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh bị chị "cấm vận". Nhiều lần anh tiếp cận chị nhưng bị từ chối quyết liệt. Anh Hòa tự ái, bỏ đi khách sạn. Và đó là lý do phát sinh hai vỏ bao kia.
Đúng là tại anh, tại ả, chứ chẳng phải lỗi riêng ai. Cuộc sống của họ như mắc giữa trăm mối tơ vò. Ly dị chẳng quyết, ly thân cũng chẳng xong bởi họ vẫn yêu thương nhau, nhưng liệu có thể tha thứ?.
Trường hợp của chị Trương Ngọc Hiền cũng tương tự như trên. Dù có kết cục nhẹ nhàng hơn nhưng chị cũng khiến chị không ít hoang mang, hú vía.
Chả là mỗi khi giận chồng, chị Hiền thường bỏ nhà đi với bạn bè. Mỗi lần ra khỏi nhà, chị Hiền thường cố tình ăn mặc, chải chuốt thật đẹp để trêu tức anh Hiếu, chồng chị.
Một lần cũng giận chồng bỏ đi, chị Hiền đứng đợi bạn ở góc đường gần công viên, chẳng ngờ, mấy gã "đàn ông ham của lạ" tưởng chị là "gà", lân la tới. Chị càng lớn tiếng, mấy gã kia càng đắc ý. Hoảng quá, chị hét lên kêu cứu.
Nghe tiếng ồn ào, dân phòng khu vực kéo đến. Thế là chị Hiền lẫn những tên kia đều bị đưa về đồn. Chị Hiền sợ quá đành gọi cho chồng. Anh Hiếu phải chân thấp chân cao chạy vội đến.
Sau khi anh Hiếu giải thích đầu đuôi câu chuyện, công an khu vực mới thả vợ anh về. Trước mặt chồng, chị Hiền gục đầu, khóc sướt mướt. Nhìn thấy tình cảnh của vợ, anh Hiếu không nhịn được cười, cốc yêu lên trán vợ: "Trông em kìa, đẹp mặt quá ha!".
Đáng sợ chiến tranh lạnh
Không thể đi bụi, ăn dầm nằm dề ở nhà bạn bè hay chui vào khách sạn để tốn tiền, nhiều người dù quá giận nhau nhưng vẫn túc trực ở nhà, diễn đi diễn lại kịch bản chiến tranh lạnh với nhau. Việc ai người ấy làm, chẳng ai thèm hỏi ai câu nào.
Hớp xong ngụm nước được ông bạn nối khố rót, ông Quang lại muốn thêm ngụm nữa. Chai rượu vơi đi hơn phân nửa rồi nhưng ông Quang vẫn còn muốn uống thêm. Nhấp rượu xong, ông lấy hai chiếc đũa gõ vào trôn chén, khe khẽ hát: "Thân nì, cái thân sao mà lận đận".
Nhìn cái cảnh ông Quang như vậy, ông bạn thân hiểu ngay là chuyện gì. Chỉ có chuyện vợ chồng hục hặc mới khiến ông Quang vừa uống vừa hát với gương mặt đầy tâm trạng đau khổ như thế.
"Vì cái chuyện người bạn gái cũ của tôi từ Mỹ về, rút kinh nghiệm mọi lần, hai vợ chồng cùng đi gặp, hẹn uống cà-phê. Suốt buổi trò chuyện, vợ tôi tươi như hoa. Chẳng hiểu sao về đến nhà, suốt hơn một tuần, bả im re, cấm vận tôi đủ kiểu và không hề hở môi với tôi nửa chữ. Tôi khổ hết sức mà có nói với ai được đâu!".
Tuôn một tràng cho hả cơn, ông Quang lại tiếp tục gõ phách và hát: "Mình trách mình sao số phận hẩm hiu, có vợ mà như ly thân...". Lời ông Quang khiến ông bạn vừa buồn cười vừa thương cảm.
Hai người đều là giảng viên của một trường đại học. Vợ ông vốn là người lành tính, có uy tín với sinh viên.
Hai vợ chồng ít khi gây gổ với nhau. Nhưng cứ mỗi khi dịp ông Quang đi với bạn bè, về nhà thường trong tình trạng quá chén, bà vợ ông thường hờn giận. Mà cái giận của bà cũng ngộ lắm. Không lớn tiếng như bao bà vợ khác, không tra hỏi. Chỉ lẳng lặng ôm gối lên ngủ với mấy đứa nhỏ, hoặc làm việc đến khuya rồi bà qua đêm luôn ở phòng khách.
Chỉ đến khi ông Quang nhận ra điều gì đó, quỳ gối xin lỗi, vợ ông mới chịu làm hòa, dù chuyện đôi khi chẳng đáng.
Đâu phải chỉ có vợ chồng trẻ, nông nổi nên làm đủ kiểu để giải tỏa khi giận nhau. Những cặp xế chiều cũng cùng chung thể thức. Chỉ khác, mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, những người luống tuổi như vợ chồng ông Quang thường ngậm bồ hòn làm ngọt, chứ như ông tâm sự: "Già rồi, hơi một tý lại bỏ nhà đi hoang, bọn trẻ nó cười cho!".
An Hòa