Cách xếp lương cho viên chức phát thanh viên, quay phim

(PLVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BTTTT hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên (ATV, PTV) , kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành TTTT. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Áp dụng bảng lương đối với chức danh nghề nghiệp

Theo đó, Điều 5 Thông tư quy định, các chức danh nghề nghiệp viên chức ATVPTV, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành TTTT được xếp lương theo 4 hạng sau:

Thứ nhất, chức danh nghề nghiệp ATV hạng I (mã số V11.09.23), PTV I (mã số V11.10.27), kỹ thuật dựng phim hạng I (mã số V11.11.31), quay phim hạng I (mã số V11.12.35) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2) có 6 bậc, từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.

Thứ hai, chức danh nghề nghiệp ATV hạng II (mã số V11.09.24), PTV hạng II (mã số V11.10.28), kỹ thuật dựng phim hạng II (mã số V11.11.32), quay phim hạng II (mã số V11.12.36) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Thứ ba, chức danh nghề nghiệp ATV hạng III (mã số V11.09.25), PTV hạng III (mã số V11.10.29), kỹ thuật dựng phim hạng III (mã số V11.11.33), quay phim hạng III (mã số V11.12.37) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Thứ tư, chức danh nghề nghiệp ATV hạng IV (mã số V11.09.26), PTV hạng IV (mã số V11.10.30), kỹ thuật dựng phim hạng IV (mã số V11.11.34), quay phim hạng IV (mã số V11.12.38) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Cách xếp lương

Thông tư quy định, sau khi tuyển dụng, hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức ATV, PTV, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành TTTT thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

Trường hợp khi được tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 bảng lương viên chức loại A1;

Đối với trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, bảng lương viên chức loại A1;

Còn trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, bảng lương viên chức loại A1;

Ngoài ra, trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp ATV hạng IV, PTV hạng IV, kỹ thuật dựng phim hạng IV, quay phim hạng IV: Khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo cao đẳng chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06; có trình độ đào tạo trung cấp chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, bảng lương viên chức loại B.

Thông tư cũng quy định, đối với trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức AO theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp ATV hạng IV, PTV hạng IV, kỹ thuật dựng phim hạng IV, quay phim hạng IV thì việc xếp bậc lương căn cứ vào thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự, thử việc).

Cụ thể, tính từ bậc 2, bảng lương viên chức loại B, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác bị kéo dài thời gian nâng lương thường xuyên do không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật theo quy định của pháp luật thì bị kéo dài thêm chế độ nâng bậc lương thường xuyên theo quy định. 

Đối với trường hợp trong thời gian công tác được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn được tính để xếp lên bậc lương cao hơn trước thời hạn tương ứng. Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm, nếu có số tháng chưa đủ 24 tháng, thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp ATV hạng IV, phát thanh viên hạng IV, kỹ thuật dựng phim hạng IV, quay phim hạng IV, nếu hệ số lương được xếp ở các chức danh nghề nghiệp này cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch, chức danh nghề nghiệp cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch, chức danh nghề nghiệp cũ. 

Bên cạnh đó, Thông tư quy định, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ATV, PTV, kỹ thuật dựng phim, quay phim được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và xếp lương chức danh ATV, PTV, kỹ thuật dựng phim, quay phim quy định tại Thông tư này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.

Đọc thêm