Cái ác trong gia đình, "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy"

Cái ác xuất hiện trong gia đình còn bởi ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên gia đình đang ở tình trạng báo động do những nếp nghĩ, nếp sống ích kỷ, sai lầm.

Trong số báo ra ngày 11/1, PLVN đề cập tới chủ đề cái ác hiện diện trong gia đình gây ra những vụ án cha mẹ giết con, con cái bạo hành bố mẹ hết sức đau lòng. Nguyên nhân của tình trạng này đã được các nhà xã hội học, tâm lý học phân tích.

Tính cách của trẻ hình thành từ trường lớp,  gia đình và cộng đồng.
Tính cách của trẻ hình thành từ trường lớp, gia đình và cộng đồng.

Nhưng, bên cạnh đó cũng còn một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong gia đình đang ở tình trạng báo động do những nếp nghĩ, nếp sống ích kỷ, sai lầm.

Xấu - giấu nhẹm, thiệt - kêu to

Là sinh viên năm thứ nhất ngành luật, nhưng những gì mà Nguyễn Đình Q (quê Quảng Bình) trao đổi trên diễn đàn pháp luật đã khiến người đọc không khỏi giật mình. Q đã trăn trở với câu hỏi tại sao lại tồn tại sự mâu thuẫn về  chấp hành pháp luật trong mỗi thành viên gia đình hiện đại, để từ đó tạo ra sự tréo ngoe của cả một xã hội, cộng đồng. Câu hỏi này ra đời khi Q được tận mắt chứng kiến những câu chuyện khác nhau của một gia đình...

Ông H (người hàng xóm ở quê của sinh viên Nguyễn Đình Q) là cán bộ xã, thế nên gia đình ông không xa lạ gì với danh hiệu gia đình văn hóa. Con cái ông cũng không có hành vi phạm pháp gì cho đến một ngày... Thấy ruộng nhà mình quá nhiều chuột cắn lúa, anh con trai cả của ông H bèn chăng dây điện từ nhà ra ruộng để bẫy chuột. Nhưng nào ngờ, chuột không dĩnh bẫy mà điện lại dính ngay bà cụ xóm dưới khi sáng sớm hôm đó, nạn nhân đi tìm lá nhọ nồi mọc ở các rìa ruộng để hạ sốt cho đứa cháu.

Ra ruộng, thấy xác chết của bà cụ, đoán là do dẫm phải điện nhà mình, anh con trai ông H đã ngay lập tức thu dây điện phi tang và hô hoán với bà con làng xóm đến cấp cứu giúp bà cụ bị cảm ngất ở ruộng nhà mình. Biết sự thực cái chết của bà cụ, nhưng ông H im lặng với cách giải quyết của con trai mình. Sau đó không lâu, con gái út của ông H đang học cấp 3 trường huyện, một tối đi sinh hoạt Đoàn về muộn, khi đạp xe qua con đường sát ruộng ngô đã bị một kẻ lạ mặt làm nhục.

Công an về điều tra, nhưng vụ án chưa có tiến triển vì lúc đó trời tối, đường vắng, không ai nghe thấy tiếng kêu của cô gái, còn nạn nhân do quá sợ hãi nên không thể nhớ được gì. Xót con, sáng nào dân làng cũng thấy ông H chầu chực trước cửa công an xã để ngóng tin.

Dù đến thời điểm này, hai câu chuyện của gia đình ông H đã được giải quyết, người con trai phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình và kẻ thủ ác cũng đã bị vạch mặt, đền tội. Thế nhưng, dù sao cách hành xử của ông H cũng để lại cho người dân trong xã (trong đó có sinh viên Nguyễn Đình Q) nhiều suy nghĩ. Đó là sự mâu thuẫn về ý thức chấp hành pháp luật ngay trong chính nội bộ một gia đình. Khi  họ làm những việc sai trái thì họ im lặng, giấu nhẹm để thoát tội, còn khi họ bị xâm hại thì lại muốn được luật pháp bảo vệ.

Hậu họa từ thái độ “con dại, cái... chạy làng”

Từ câu chuyện của gia đình ông H nhìn rộng ra những phiên tòa xét xử các bị cáo là trẻ chưa thành niên. Đó là những gương mặt quá trẻ, trong khi ở hàng ghế người giám hộ, cha mẹ, người thân của bị cáo cũng mang những sắc mặt khác nhau, mỗi người một suy nghĩ, cảm xúc. Nhưng ai cũng ngỡ ngàng trước vết trượt, thậm chí là tội ác của con mình.

Nói như ông Trần Duy Khắc - bố đẻ của bị cáo Long (Long là một trong những thủ phạm đã gây ra vụ giết người năm 2007 khi vừa 16 tuổi tại Phú Thọ): “Cháu nhà tôi từ trước đến nay không gây gổ đánh nhau với ai bao giờ, chuyện xảy ra lần này rất đáng tiếc, gia đình chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại cách dạy con cái...”.

Không phải tất cả, nhưng rất nhiều những đứa trẻ đang học tập ở trường giáo dưỡng, những đứa trẻ từng phải đối diện với hội đồng xét xử đều là “sản phẩm” của những gia đình mà cha mẹ vì quá mải mê làm ăn đã bỏ quên trách nhiệm nuôi dạy con cái hoặc tuy có giáo dục con nhưng chỉ trên lý thuyết còn lúc xảy ra sự dù là lớn nhỏ lại có thái độ “con dại, cái... chạy làng” vì sợ con phải đối diện với bản án hình sự đã đành, mà bản thân mình cũng phải gánh những trách nhiệm dân sự bồi thường thay con. Như câu chuyện của ông H. nêu trên là một ví dụ.

Nhưng họ có biết đâu rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả đó là do chính cách dạy dỗ của mình. Ngày xưa các cụ có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng thực tế đã chứng minh rằng tính cách của con người được quyết định bởi chính cách dạy dỗ của gia đình và xã hội. Yêu cầu con học thuộc bài học ở trường về luật giao thông nhưng bố mẹ lại vượt đèn đỏ, lạng lách ngay trước mắt con thì còn nghĩa lý gì?. Đó cũng chính là sự mâu thuẫn về ý thức chấp hành pháp luật trong phạm vi một gia đình hiện đại mà bạn sinh viên Nguyễn Đình trăn trở.

Giáo dục của gia đình là điểm tựa

“Việc vị thành niên phạm tội có nhiều nguyên nhân, cái chính vẫn xuất phát từ gia đình... Trước thực trạng này, đòi hỏi phải có sự đồng tâm hợp lực của toàn xã hội, nhưng nói gì thì trước hết sự giáo dục của gia đình phải luôn là điểm tựa cho các em”.

Nhà tâm lý học Trần Thị Thu Mai ( Đại học Sư phạm TP HCM)

Thiếu “màng văn hóa”, cái ác sẽ thắng thế

“Trong đời sống xã hội hiện đại, con người đứng trước nhiều áp lực trong cuộc sống và thách thức trong mưu sinh. Những áp lực ấy nếu có điều kiện sẽ bật bung ra và người ta gây ra tội ác. Mặt khác, trong xã hội nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng “kẻ mạnh và cường quyền vẫn luôn thắng” nên có xu hướng dùng bạo lực ở nhiều người. Trong điều kiện bình thường, ý thức luật pháp, tình yêu con người đè nén cái ác nên nó không đủ sức bật ra. Nhưng khi người ta không có chiều sâu, không có “màng văn hóa” bao bọc thì một lúc nào đó, cái ác sẽ thắng thế và thế là những tội ác diễn ra”.

Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình

Hồng Minh

Đọc thêm