Cải cách thể chế chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp

(PLO) - Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh song đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp  vẫn tỏ ra quan ngại về “nút thắt” trong thể chế, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại đang được ký kết và bắt đầu có hiệu lực…
Các đại biểu dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam
Các đại biểu dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam
Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập quốc tế”, hôm qua (1/12), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2015 - kênh đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp  trong nước và nước ngoài cùng cộng đồng các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao đã diễn ra tại Hà Nội.
TPP và kỳ vọng
Tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng của Việt Nam, theo đánh giá của các Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) và các nhà tài trợ chính là việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương  (TPP). 
Theo đại diện HHDN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam đã rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Với TPP, Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ TPP với các điều khoản liên quan. “Tuy nhiên, TPP vẫn chỉ là lời hứa, chưa là một thực tế”- bà Sherry Boger, Chủ tịch AmCham lưu ý.
“Trong bối cảnh các hiệp định thương mại đang được ký kết và bắt đầu có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp  định  Thương  mại  Tự do  EU - Việt  Nam  (EVFTA), Cộng  đồng  Kinh  tế ASEAN  (AEC)  và TPP,  các  thành  viên HHDN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đang  kỳ vọng  vào những thay đổi tích cực, tăng cường các ưu đãi cho DN cũng như đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam…”- Ông Tomaso Andreatta - Phó Chủ tịch EuroCham phát biểu…
Quan ngại
Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014 được nhiều HHDN nước ngoài nhắc đến như một nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đại diện HHDN Úc tại Viêt Nam (AusCham), do thiếu quy định hướng dẫn nên việc áp dụng luật thiếu nhất quán giữa các địa phương đã gây ảnh hưởng tới thiện chí thay đổi mang tính tích cực trong các luật mới ban hành.
“Nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam nhận thấy vấn đề từ những thách thức  chính ở cấp địa phương hơn là cấp trung ương. Điều này là do việc áp dụng không thống nhất pháp luật, chính sách, ngay cả đối với các loại thuế và hải quan, dù rằng rõ ràng đây là trách nhiệm quốc gia, và thậm chí cả ở quyền sử dụng đất hoặc các yêu cầu khác…”- bà Sherry Boger, Chủ tịch AmCham phản ảnh.
“Theo Luật Đầu tư cũ, doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần một giấy phép đầu tư duy nhất là Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới, giấy  phép  này  được  chia  thành  Giấy  chứng  nhận  đăng  ký  đầu  tư  và  Giấy  chứng  nhận  đăng  ký  doanh  nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài nằm trong Khu Công nghiệp từng được hưởng dịch vụ  một  cửa theo  như  Luật  Đầu  tư  trước  đây sẽ phải  làm  việc  với  cả Ban  Quản  lý  Khu  công nghiệp và cả Sở KH&ĐT phụ trách khu vực đó khi họ thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đầu tư như là tăng vốn hay tăng tổng mức dự án đầu tư. Chúng tôi lo ngại rằng dịch vụ một cửa sẽ không thực hiện được. Chúng tôi mong rằng các cơ quan liên quan sẽ có các giải pháp cần thiết để không gây chậm trễ trong việc thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư”- ông Shimin Tokuyama, Chủ tịch HHDN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đề nghị.
Theo đại diện AmCham, hầu hết tất cả các quốc gia thành viên TPP đã tham gia cam kết cho phép nhập cảnh dành cho doanh nhân của nước thành viên khác tùy thuộc vào các phụ lục của riêng từng quốc gia. Tuy nhiên, Luật Nhập  cảnh  của  Việt  Nam  được  sửa  đổi  vào  tháng  6 / 2014  và  có  hiệu  lực  vào  ngày 1/1/2015 mà không được tham khảo TPP. “Chúng tôi nghĩ rằng sự thay đổi này là một bước lùi. Căn cứ vào một vài điều khoản luật này, công dân Hoa Kỳ có kế hoạch đến Việt Nam theo diện thị thực tương đương B-1 hoặc B-2 của Hoa Kỳ sẽ nhận được thị thực có thời hạn hiệu lực trong vòng 3 tháng và chỉ nhập cảnh một lần. Quy định này rõ ràng gây ra trở ngại lớn đối với cả doanh nhân và khách du lịch cho cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ, và có thể làm suy giảm doanh thu lớn do ngành du lịch đem lại, chưa kể đến tác động tiêu cực cho sự phát triển của ngành du lịch, là một trong 5 ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam…” - bà Sherry Boger lo ngại.
Đặc biệt, đại diện AusCham lưu ý  Luật Kinh doanh Bất động sản mới vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước. Ví dụ các nhà đầu tư nước ngoài không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân chia đất thành các lô để bán, trong khi các nhà đầu tư trong nước được hưởng quyền lợi đó. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu 50% giá trị của hợp đồng bán và mua hoặc thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, trong khi đó tỷ lệ áp dụng cho các nhà đầu tư trong nước lên đến 70%...
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc, nhìn chung cải cách thể chế đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI cũng lưu ý, một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. 
Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay... Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới…”- ông Lộc nhấn mạnh.

Đọc thêm