Ảnh minh họa |
1.000 doanh nghiệp chiếm 10% tổng thu ngân sách
Trong Top 10 của Bảng xếp hạng, Tập đoàn Viettel vẫn giữ ngôi vị đầu bảng với những đóng góp to lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài 6 đại diện thân quen từng được vinh danh trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2014 (Viettel, TCty Khí Việt Nam - Cty CP, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Cty Honda Việt Nam, Cty CP sữa Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), Top 10 năm nay có sự vươn lên của 4 gương mặt mới là Cty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, TCty Viễn thông Mobifone và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tổng số thuế mà các DN V1000 đóng góp vào NSNN đạt 82.344 tỷ đồng, tăng 2,34% so với mức 80.460 tỷ đồng của năm trước, chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN năm 2014. Trong đó, Top 100 DN đứng đầu đóng góp khoảng 50.000 tỷ đồng, chiếm tới hơn 60% tổng số thuế thu nhập DN toàn Bảng xếp hạng.
Khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ DN xuất hiện trong Bảng xếp hạng V1000 năm nay nhiều nhất, với 460 DN; tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập DN của toàn bảng chỉ dừng lại ở mức khoảng 37%. Khối tư nhân có tỷ lệ xuất hiện của DN trong Bảng xếp hạng đứng ở vị trí thứ 2 là 311 DN, nhưng tỷ lệ đóng góp chỉ đạt khoảng 18%.
Dựa trên kết quả phân tích, đánh giá của Vietnam Report đối với 50 DN thành tựu xuất sắc trong Bảng xếp hạng V1000, Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát và 2 ngân hàng VIB và Vietinbank đã xuất sắc lọt vào Top 5 những DN thành tựu có uy tín trên truyền thông.
“Như một mối quan hệ thuận chiều, những DN luôn thực hiện tốt các quy định, chính sách thuế của Nhà nước, nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn sẽ là những DN “gương mẫu” và có xu hướng được đánh giá cao về uy tín trên truyền thông. Kết quả này cũng phản ánh phần nào sự nhìn nhận công bằng và khách quan của xã hội, của khách hàng đối với các DN đã làm trọn nghĩa vụ đóng góp cho NSNN…”- Báo cáo Vietnam Report nhận định.
Doanh nghiệp muốn tham gia làm luật về thuế
Cùng với sự kiện công bố Bảng xếp hạng V1.000, Vietnam Report cũng giới thiệu Báo cáo thường niên “Tổng quan Môi trường Thuế Việt Nam 2015”. Báo cáo điểm lại những kết quả mà ngành thuế đã đạt được trong một năm thực hiện cải cách vừa qua thông qua khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN V1.000 trong 5 năm trở lại đây nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống thuế minh bạch, hoàn thiện và hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong năm 2014 vừa qua, các DN vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu liên quan đến thuế, bao gồm các quy định pháp luật, chính sách thuế, với 33% số DN lựa chọn ý kiến này; biểu mẫu rườm rà hay thay đổi (16%); thủ tục hành chính phức tạp (13%); quá trình thanh tra, kiểm tra (12%)...
Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy, 9% số DN có mong muốn được tham gia vào quá trình soạn thảo, sửa chữa, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế, trong đó tỷ lệ DN thể hiện mong muốn này nhiều nhất đến từ khối FDI và tư nhân. Đây cũng là 2 khối DN giữ vai trò quan trọng trong quy mô nền kinh tế của Việt Nam.
“Việc mong muốn được đóng góp ý kiến vào quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật về thuế của các DN nói chung và 2 khối DN này nói riêng cho thấy sự quan tâm nhất định của DN đối với các quy định, chính sách thuế. Hơn thế nữa, việc đóng góp ý kiến của DN vào quá trình đưa ra chính sách là một điều hợp lý và nên làm, một mặt giúp DN phản hồi trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền những khó khăn về chính sách đang gặp phải, mặt khác giúp cơ quan thuế có những điều chỉnh đúng hướng...”, đại diện Vietnam Report khẳng định.
Báo cáo trên cũng ghi nhận những đánh giá của các chuyên gia về tác động của việc ký kết Hiệp định TPP đến ngành thuế. Kết quả khảo sát cho thấy gần một nửa số DN (49%) nhận thấy mình sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi về chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP, điều này cho thấy niềm tin của DN vào một tương lai xán lạn trong cuộc cạnh tranh với các DN nước ngoài cũng như hy vọng tích cực vào những đổi mới trong chính sách thuế đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
42% là tỷ lệ DN cho rằng mình không chịu quá nhiều tác động của những chính sách cải cách thuế sau khi TPP được thông qua. Chỉ 9% còn lại có cái nhìn “bi quan” khi nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực mà những cải cách thuế dựa trên hiệp định lịch sử này sẽ đem đến cho DN.