Sức nóng từ trên xuống
Những ngày cuối năm, trong cuộc nói chuyện riêng với chúng tôi, điều mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảm thấy tâm đắc nhất chính là việc năm 2014 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách thể chế của Việt Nam từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp.
Sau nhiều năm khó khăn liên tục, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phải hứng chịu những “thiệt hại” rất lớn: hàng chục ngàn doanh nghiệp phải rời bỏ thương trường, hàng chục ngàn doanh nghiệp khác lỗ nặng, sống kiểu “cầm hơi”. Đúng vào thời điểm đó, Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành từ tháng 3/2013 đã đem đến hy vọng mới.
Không như nhiều văn bản pháp quy khác ban hành trong thời gian trước đó, Nghị quyết 19 có giá trị như là văn bản cụ thể hóa thông điệp cải cách thể chế, theo đó các nội dung được quyết nghị đã đánh trực diện vào những vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh và đất đai, xây dựng.
Tuy nhiên, điều quan trọng của Nghị quyết 19 không phải chỉ ở nội dung. Quan trọng hơn cả chính là việc Chính phủ đã cụ thể hóa các nội dung đó trong thực tiễn, điều mà trước đây thường không được làm đến nơi đến chốn. Các cuộc làm việc liên tục với các bộ ngành của Thủ tướng đã được tổ chức, qua đó từng công việc, từng vướng mắc cụ thể đã được nêu ra để có giải pháp cụ thể và triệt để.
Lấy ví dụ, trong vấn đề thủ tục hành chính thuế, sau khi nghe báo cáo của Bộ tài chính và các cơ quan liên quan, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính giảm thời gian thực hiện các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp từ 537 giờ xuống còn 171 giờ trước ngày 30/9/2015. Ở góc độ người quan sát, ông Vũ Tiến Lộc cảm thấy từ những chỉ đạo như vậy, dường như có một sức nóng lan tỏa từ Chính phủ và Thủ tướng, một áp lực để giải quyết nhanh những rào cản thể chế đang đè nặng lên vai cộng đồng doanh nghiệp.
Ở kỳ họp cuối năm, hai trong số những văn bản pháp luật quan trọng nhất về môi trường kinh doanh là Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đã được thông qua. Cho dù còn điểm này điểm kia chưa được trọn vẹn, điều mà cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được chính là việc các luật mới đã khắc phục được khá nhiều vấn đề của môi trường kinh doanh hiện tại. Nói như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, đây thực sự là một lần “lột xác” của hệ thống quy định pháp lý về kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điều quan trọng nhất trong lần sửa đổi hai luật này chính là thay đổi phương pháp tiếp cận. Trước đây, Việt Nam áp dụng phương pháp chọn “cho”, có nghĩa trong luật quy định những lĩnh vực ngành nghề nào được phép đầu tư kinh doanh; còn lần này chúng ta thay cách tiếp cận bằng cách minh bạch hơn, rõ ràng hơn, đó là chọn "bỏ", tức là thể hiện đúng tinh thần người dân và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Bước chuyển thể chế này, theo ông Vinh, đã để thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 là quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cần sự đồng thuận
Cải cách thể chế rõ ràng đang “đi đều” trên nhiều mặt trận. Tuy nhiên, từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, nếu cải cách chỉ có từ bên trên, trong khi bên dưới không chuyển động song hành, thì tiến trình đó chắc chắn sẽ còn nhiều cam go. Trở về từ các cuộc làm việc của Thủ tướng với các bộ ngành, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề hiện tại là quyết tâm cải cách có thật sự đồng đều ở các cấp hay không.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhiều chuyên gia vẫn ví von rằng ở Việt Nam “con đường dài nhất không phải từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, mà là từ lời nói đến hành động”. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, sức nóng từ Chính phủ, rất có thể, sẽ không đến được từng phòng thuế, từng cửa khẩu hải quan, từng phòng đăng ký kinh doanh, nơi các doanh nghiệp đã và đang phải “đụng chạm” mỗi ngày.
Nhưng ở chiều hướng tích cực, cần thấy được là tình hình chung đã chuyển biến rất đáng kể. Cuối năm 2014, trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ôngTomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) đã nói rằng ông cảm thấy cần “chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc bình ổn nền kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có môi trườngkinh tế vĩ mô thuận lợi”.
Trong khi đó, ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (Amcham) đã nhấn mạnh rằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất hiện nay là vấn đề niềm tin và Chính phủ Việt Nam, bằng những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ, đã và đang tạo dựng được niềm tin ấy. “Năm 2014 kết thúc, các công ty và nhà đầu tư đều có rất nhiều điều để hài lòng. Trong những năm qua, thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đa phần dựa trên sự mong đợi về ổn định kinh tế và chính trị”, ông nhận xét.
Niềm tin là rất quan trọng, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhấn mạnh rằng những cải cách trong thời gian qua là chưa đủ mạnh. Ông Gaurav Gupta nói rằng dù có những tín hiệu tích cực và tăng trưởng này, các nhà đầu tư Mỹ “thường thấy rằng ý định ban đầu của một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không hiện thực hóa được vì liên tiếp phải đối phó với những thách thức về tham nhũng, hạn chế nguồn nhân lực, và quy trình cấp phép cũng như môi trường pháp lý chưa rõ ràng, còn nhiều hạn chế và phức tạp”.
“Để những tiềm năng này sẽ được cụ thể hóa thành những khoản đầu tư vững chắc hơn, Việt Nam cần có những bước tiến rõ rệt trong việc cải thiện những vấn đề nội tại trong môi trường kinh doanh của mình”, ông Gaurav Gupta phân tích.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ liên quan đến vấn đề cải cách thể chế cho hay trong những năm tiếp theo, cụ thể là trong hai năm 2015-2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu kinh tế. Các hoạt động cải cách thể chế trong giai đoạn này và những năm tiếp theo sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, xây dựng các định chế thị trường, thực hiện các giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận.
Những người trong cuộc như ông Vũ Tiến Lộc đang hy vọng, khi các hoạt động này được thúc đẩy mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có động lực để bắt đầu một chu kỳ phát triển mới, trên một nền tảng mới vững chắc hơn trước./.