Cái gì có lợi cho dân thì làm, đừng thỉnh thoảng lại đưa ra một quy định tréo ngoe

(PLO) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết 58/NQ/CP đơn giản hóa một loạt các thủ tục trong 15 lĩnh vực tư pháp như hộ tịch, thi hành án, nhận con nuôi,... Đây là động thái tích cực thúc đẩy việc cải cách hành chính thành hiện thực trong ngành Tư pháp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng kể là những quy định bãi bỏ cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, không phải xuất trình đăng ký kết hôn khi khai sinh cho trẻ hoặc xác nhận nơi cư trú,... Đơn cử việc phải có xác nhận tình trạng hôn nhân trước đây đã gây ra một sự nhiêu khê, phiền phức và tốn cho rất nhiều người, đặc biệt trong hoàn cảnh đi làm ăn xa. Ngành Tư pháp ở một số địa phương áp dụng việc cấp Lý lịch tư pháp qua bưu điện cũng đã giảm rất nhiều công sức, thời gian đi lại và được dư luận hoan nghênh. Nay, có Nghị quyết của Chính phủ, tin rằng sẽ có chuyển biến tích cực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đem lại sự thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện tại thường nảy sinh những quy định gây khó cho dân. Ví dụ gần nhất là việc phạt các phương tiện xe không có giấy tờ sở hữu gốc, việc này đã làm cho các  chủ xe mua trả góp hoang mang. Giấy tờ gốc của phương tiện (đăng ký xe) do ngân hàng giữ làm vật thế chấp, thay vào đó là giấy xác nhận do ngân hàng cấp, nhưng giấy này không có giá trị với cảnh sát giao thông và họ vẫn phải nộp phạt. Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng không được giữ giấy tờ gốc của chủ phương tiện song xem ra điều này không khả thi. Với các trường hợp thuê xe cũng vậy, chủ xe không dám trao giấy tờ gốc, e ngại kẻ xấu lợi dụng để cầm cố, mua bán. Trong lúc còn chưa ngã ngũ, rạch ròi này, tội vạ đổ hết lên đầu dân gánh chịu.

Theo xu hướng cải cách hành chính, những quy định lỗi thời như “ngực lép” không được lái xe máy bị loại bỏ tức thì, đến nay, người khuyết tật cũng được cấp Giấy phép lái xe ô tô, đó là một sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. Tại Nghị quyết 58 NQ/CP cũng nêu đối với một số thông tin cá nhân, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp mà tự khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây quả là bước tiến mới về bảo vệ thông tin cá nhân cùng với quyền nhân thân cơ bản. Như vậy, việc chủ thuê bao điện thoại buộc phải cung cấp hình ảnh của mình cho nhà mạng dường như đã đi ngược với xu thế này.

Còn nhớ, một thời gian dài quản lý đô thị loay hoay với việc “có hộ khẩu mới được mua nhà, có nhà mới được đăng ký hộ khẩu”, đó là một nghịch lý trớ trêu không thể thực hiện. Song, cái không thể đó biến thành có thể là điều kiện thuận lợi để người ta chạy chọt và là môi trường lý tưởng cho tham nhũng. Hiện trạng các quan chức ở địa phương có nhà ở Hà Nội không phải ít là dẫn chứng xác đáng cho việc quản lý trên.

Vì thế, cái gì có lợi cho dân thì nên làm, còn cứ thỉnh thoảng lại đưa ra một quy định tréo ngoe chỉ vì lợi ích của ngành mình thì vừa không đạt được mục đích, vừa bị dư luận phê phán. 

Đọc thêm