Với vai trò là "người gác cổng về mặt pháp lý" cho các VBQPPL trước khi ban hành, đáng lẽ công tác thẩm định phải được đặt ở vị trí ưu tiên trong quá trình hoàn thiện VBQPPL và được các cấp, các ngành liên quan quan tâm thích đáng. Thế nhưng, nhiều cơ quan soạn thảo VBQPPL vẫn coi thẩm định chỉ là "một thủ tục luật bắt phải làm", có thái độ "đối phó" khi gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp để thẩm định.
Cá biệt, còn đưa cơ quan thẩm định vào thế "phải thẩm định" cho... lãnh đạo kịp ký hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền trước khi đi công tác ...
Nhiều trường hợp, Bộ Tư pháp bị "ép" hoàn tất qui trình thẩm định cho một dự án VBQPPL. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng công tác thẩm định luôn bị "gán tội" làm ảnh hưởng đến chất lượng VBQPPL...
|
Hình minh họa |
Phải thẩm định dù tù mù thông tin
Năm 2009-2012 là giai đoạn "nở rộ" của VBQPPL với hàng loạt các luật, pháp lệnh được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, kéo theo các văn bản hướng dẫn qui định chi tiết khiến số lượng dự án, dự thảo VBQPPL cần phải thẩm định tăng theo với nội dung ngày càng đa dạng, mới cả về lý luận và thực tiễn. Điểm khó này của công tác thẩm định càng được "củng cố" bởi thái độ "nhạt nhẽo" của các cơ quan soạn thảo đối với quá trình thẩm định.
Là thành viên của nhiều Hội đồng thẩm định, TS.Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp) cho rằng, "sự chú trọng, huy động trí tuệ tập thể cho công tác thẩm định vẫn còn hạn chế". Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, một số cơ quan chưa thực sự nghiêm túc trong việc chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp xây dựng VBQPPL, nhất là trong việc thành lập, họp ban soạn thảo, tổ biên tập và lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản. Vì thế, Bộ Tư pháp "không ít lần phải thẩm định trong tình trạng bị động, "tù mù" về thông tin".
Chia sẻ với những "hạn chế trong công tác thẩm định về các vấn đề chuyên môn, chuyên ngành", đại diện Bộ TN&MT cho rằng, "đó cũng là vì cơ quan thẩm định không được tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng VBQPPL".
Trong khi đó, hồ sơ thẩm định của các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến Bộ Tư pháp còn sai sót về thủ tục, thiếu các tài liệu theo qui định, ngay cả những tài liệu quan trọng, quyết định đến chất lượng thẩm định. Thậm chí, hồ sơ chưa đảm bảo chất lượng, rất kém về tính hợp pháp, hợp lý, ngôn ngữ “ngô nghê”, còn mang tính cục bộ, "đối phó"... "Có đến 2/3 dự thảo nghị định mới qua giai đoạn sơ thảo mà đã được đưa vào thẩm định", ông Lê Hồng Sơn cho biết.
Không những thế, một số cơ quan soạn thảo cũng không tuân thủ nghiêm túc qui định về thời hạn gửi hồ sơ thẩm định. Nhiều hồ sơ thẩm định chỉ được gửi đến Bộ Tư pháp 3 ngày trước ngày họp Chính phủ như trường hợp Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) đã gặp phải, trong khi pháp luật qui định thời gian thẩm định đối với một VBQPPL là 15 ngày. Hậu quả là "thời gian xây dựng VB bị kéo dài" hoặc "ép" phải thẩm định cho xong, khiến chất lượng thẩm định... chỉ được có vậy.
Thẩm định xong... bỏ đấy
Với sự nỗ lực của Bộ Tư pháp, công tác thẩm định ngày càng đạt được những kết quả quan trọng, hạn chế một bước tình trạng "nợ đọng VB", giúp cơ quan soạn thảo kịp thời chỉnh lý, hoàn thiện nhiều qui định không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các qui định hiện hành, thiếu tính hợp lý hoặc không khả thi.
Trong nhiều phiên họp Chính phủ, nhiều thành viên Chính phủ là Bộ trưởng, trưởng ngành đều thể hiện sự quan tâm đến ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp khi thảo luận, góp ý vào các dự án, dự thảo VBQPPL. Nhưng đằng sau đó vẫn có nhiều trường hợp việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của cơ quan chủ trì soạn thảo theo ý kiến của Bộ Tư pháp chưa thật sự nghiêm túc, việc giải trình ý kiến thẩm định đơn giản làm cho việc thẩm định trở nên hình thức.
Thế nên, một số qui định thiếu tính hợp lý, khả thi, thậm chí nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đã có "cơ hội" phát huy hiệu lực. Và tất nhiên, chất lượng công tác thẩm định không thể được "nằm ngoài" những chỉ trích về các VB này khi dư luận bức xúc.
Ngoài ra, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thẩm định VBQPPL của một số cán bộ, công chức, nhất là những người làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL chưa đầy đủ, dẫn đến chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức cho công tác này.
Nguyên nhân chủ quan này cùng với cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số trường hợp còn thiếu tính chuyên nghiệp, sự phối hợp kết hợp lỏng lẻo giữa các đơn vị, cơ quan... đã góp phần "kìm hãm chất lượng công tác thẩm định", kéo theo đó là một hệ thống VBQPPL "thiếu tính toàn diện, ổn định, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân"...
Công tác thẩm định sẽ khó đạt những bước đột phá nếu không có các giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng thẩm định VBQPPL là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, tạo chuyển biến căn bản là hoàn thiện Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất) để có một qui trình ban hành VBQPPL "minh bạch, chuyên nghiệp hơn và trách nhiệm giải trình cao hơn".
Trước mắt, Bộ Tư pháp xác định phải "đề cao trách nhiệm người đứng đầu, hoàn thiện các qui chế liên quan đến công tác thẩm định, phân định chức năng, nhiệm vụ các đơn vị tham gia thẩm định, đổi mới cách thức họp hội đồng thẩm định..." cũng như kiến nghị "loại những dự án, dự thảo VBQPPL không tuân thủ qui trình thẩm định" khỏi chương trình làm việc của Chính phủ.
H.Giang