Hiện nay Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ được xây từ những năm 1960 đến năm 1992. Trong đó có gần 1.000 chung cư thuộc khu vực hạn chế phát triển (quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm 99 nhà, quận Đống Đa 415 nhà và Hai Bà Trưng 244 nhà).
Doanh nghiệp không mặn mà
Nhằm giảm áp lực dân số trong nội đô, TP đã ra quy định hạn chế xây nhà cao tầng. Tuy nhiên, quy định này làm các nhà đầu tư (NĐT) không mặn mà với các dự án cải tạo chung cư cũ. Trao đổi với PLVN, ông Dương Tất Khiêm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 1 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD) cho biết, các NĐT thực hiện dự án dưới góc nhìn của người kinh doanh, tức là tính toán chuyện lãi, lỗ.
Việc quy định không được xây dựng cao tầng khi cải tạo chung cư cũ sẽ khiến NĐT gặp khó khăn vì thông thường, chủ các căn hộ ở chung cư cũ sẽ được đổi lại một căn tại chung cư mới khi dự án hoàn thiện, còn lại bao nhiêu căn hộ thì CĐT mới được bán thương mại. Do đó, lợi nhuận trong các dự án cải tạo chung cư cũ không cao, nhất là ở khu vực giới hạn độ cao công trình.
Ngoài ra, một khó khăn khác của NĐT khi thực hiện cải tạo chung cư cũ là việc đàm phán với người dân. Theo ông Khiêm, việc này rất tốn công sức của NĐT, do người dân mỗi người một ý kiến, đồng thời trong số đó có nhiều người đòi hỏi lợi ích quá cao, khiến việc thỏa thuận khó khăn.
“Để tạo sự đồng thuận của tất cả cư dân ở một chung cư cũ không hề dễ dàng. Chỉ cần 5-7 hộ không đồng ý thôi đã có thể khiến dự án bị đình trệ, chậm trễ” - ông Khiêm cho biết.
Để thu hút NĐT mặn mà với các dự án cải tạo chung cư cũ, mới đây, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được chủ động quyết định điều chỉnh tầng cao công trình trong khu vực nội đô, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Hà Nội cũng đề nghị, để cải tạo xây mới nhà chung cư cũ, chỉ cần trên 70% chủ sở hữu đồng ý; những chủ sở hữu còn lại sẽ có chế tài nếu không đồng ý phá dỡ. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất, nếu chủ sở hữu chung cư cũ không lựa chọn được NĐT thì Hà Nội được chỉ định NĐT đủ năng lực để thực hiện dự án.
Hà Nội nên chủ động vận dụng Luật Thủ đô
Đặt vấn đề tìm hiểu những nội dung này của Hà Nội, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ông chưa có thông tin gì liên quan đến việc này.
Còn ông Tạ Quang Vinh, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, ngày 6/11 vừa qua, Hà Nội có mời Bộ Xây dựng sang làm việc. Trong buổi làm việc đó, Hà Nội mới chính thức kiến nghị hàng loạt vấn đề liên quan đến cải tạo chung cư cũ.
“Do Hà Nội vừa gửi dự thảo thông báo kết luận cuộc họp đến Bộ Xây dựng nên khi nào có kết luận chính thức, chúng tôi mới xem xét các kiến nghị của Hà Nội” - ông Vinh nói và cho biết thêm, Bộ Xây dựng đồng ý về mặt chủ trương cải tạo chung cư cũ của Hà Nội.
Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, việc cải tạo chung cư cũ của Hà Nội là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ban, ngành và lợi ích của người dân nên phải được thực hiện thận trọng. “Bộ Xây dựng và Hà Nội sẽ phải họp với nhau đôi ba lần nữa để bàn về các nội dung liên quan trước khi thống nhất phương án cải tạo chung cư cũ” - ông Vinh nói.
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng thừa nhận, việc cải tạo chung cư cũ là cần thiết để thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, nhưng Hà Nội phải chủ động hơn trong việc đề xuất phương án thực hiện. Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng: “Hà Nội có hẳn một luật riêng là Luật Thủ đô, chế tài mạnh, do đó khi Hà Nội chủ động đề xuất các phương án cụ thể, chi tiết thì chắc chắn vấn đề cải tạo chung cư cũ sẽ được thực hiện tốt hơn. Họ vẫn đang luẩn quẩn, chưa đề xuất được phương án cụ thể nào, chỉ nói chung chung…”.