Mô hình tiết kiệm nhà ở của Đức: Một gợi ý về huy động nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở

(PLO) - Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp tăng cao trong khi nguồn vốn phát triển nhà và cho vay nhà ở xã hội còn hạn chế, mô hình tiết kiệm nhà ở đã áp dụng thành công ở Đức và một số quốc gia khác đang là một gợi ý về việc huy động nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội.
Nhiều thông tin hữu ích đã được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo
Nhiều thông tin hữu ích đã được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Khoảng 200 dự án nhà ở xã hội đang gặp khó vì thiếu vốn

Trong số 20 chương trình tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai trên cả nước, có 04 chương trình cho vay về nhà ở gồm: Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long và chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Các chương trình tín dụng về nhà ở xã hội (NOXH) đã có tổng doanh số cho vay 7.611 tỷ đồng, trên 682 ngàn hộ được vay vốn, dư nợ đạt 6.397 tỷ đồng. 

Riêng đối với chương trình cho vay NOXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đến nay có 55 tỉnh, thành phố đã cho vay với 2.000 hộ được vay vốn, dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng, bình quân một hộ được vay gần 261 triệu đồng. Một số địa phương triển khai cho vay tốt như: Quảng Nam - 40 tỷ đồng, TP Đà Nẵng - 32 tỷ đồng, Bắc Giang - 26 tỷ đồng, Bắc Ninh - 22 tỷ đồng, Hưng Yên - 13 tỷ đồng, Thanh Hóa - 12 tỷ đồng... Dự kiến, NHCSXH sẽ hoàn thành kế hoạch cho vay năm 2018 được giao là 1.000 tỷ đồng. 

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Đến năm 2020 cần xây dựng được 12,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị và công nhân khu công nghiệp. 

Một trong những vấn đề quan trọng tác động vào chương trình cho vay NOXH qua NHCSXH nói riêng và việc phát triển NOXH nói chung là nguồn vốn cho chương trình này. Hơn 2 năm kể từ khi Nghị định 100/2015/NĐ-CP có hiệu lực, những khoản vay đầu tiên chương trình NOXH mới được giải ngân. Theo lời ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì hiện giờ khoảng 200 dự án NOXH đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn vốn.

Mô hình tiết kiệm nhà ở phù hợp sẽ giảm áp lực lên ngân sách nhà nước

Chính vì thế, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở” được NHCSXH phối hợp với Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG (BSH) - CHLB Đức tổ chức sáng 21/11 tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Ông Jörg Rüger - đại diện Đại sứ quán CHLB Đức – cho rằng, thành công trong thực hiện cho vay nhà ở và mô hình tiết kiệm nhà ở tại CHLB Đức sẽ là những kinh nghiệm quý giá giúp NHCSXH xây dựng dự thảo tiết kiệm nhà ở và nắm bắt được những thông tin về tiết kiệm nhà ở từ BSH để vận dụng hợp lý vào điều kiện tại Việt Nam, vừa tạo điều kiện cho người dân có  nhà ở vừa giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Tại Hội thảo, ông Michael Dorner - Giám đốc các dự án Hợp tác quốc tế của BSH - đã chia sẻ, nguồn vốn huy động của BSH là từ đóng góp của người lao động thông qua hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm. Khách hàng còn được Chính phủ hỗ trợ một khoản tiền nhỏ mang tính khuyến khích khi thực hiện chính sách tiết kiệm này.

Các đại biểu đến từ BSH cũng giới thiệu những quy định cụ thể của Chính phủ CHLB Đức về tiết kiệm nhà ở như khung pháp lý về tiết kiệm nhà ở, quy chế hoạt động của BSH, hỗ trợ bù lãi suất, thưởng trực tiếp cho người tham gia tiết kiệm... 

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nhà ở” đã góp phần khắc họa rõ nét hơn bức tranh mô hình tiết kiệm nhà ở - kinh nghiệm của CHLB Đức và các nước trên thế giới, hệ thống pháp luật bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm nhà ở cũng như các nguyên lý hoạt động của hệ thống tiết kiệm nhà ở và kinh nghiệm phát triển ngân hàng tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức tại các nước Đông Âu và Trung Quốc. Đây là thông tin quý báu cho NHCSXH khi triển khai thực hiện chương trình cho vay NOXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Được biết, đề xuất về việc thành lập một ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã từng được Bộ Xây dựng đưa ra cách đây nhiều năm và theo yêu cầu của Chính phủ, hiện nội dung này vẫn đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu. Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - hy vọng, qua Hội thảo lần này, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai cho vay NOXH và kinh nghiệm cho vay tiết kiệm nhà ở tại CHLB Đức sẽ được các đại biểu nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thiện dự thảo chính sách phát triển NOXH tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Đọc thêm