Cám cảnh vừa là vợ, vừa là ôshin

Chỉ sau gần một năm nghỉ sinh con, không ai còn nhận ra Hồng vì vóc dáng tiền tụy và bơ phờ của cô.


Hồng (Quận Tân Bình, TP HCM) chia sẻ: “Mình thấy xã hội hiện đại, việc phụ nữ ở nhà chăm chồng, chăm con là chuyện bình thường nên cũng học theo. Tưởng ở nhà sẽ nhàn rỗi, xinh đẹp, trẻ trung nhưng không ngờ công việc chăm con khiến mình kiệt quệ”.

Ban đầu, Hồng cũng chỉ định ở nhà đến tháng thứ 6 sau sinh, rồi thuê người giúp việc chăm con, để yên tâm trở lại với công việc. Thế nhưng, mọi chuyện lại không như dự định.

Hồng ngậm ngùi: “Chỗ mình làm trước kia toàn phải trực theo ca nên không tiện chăm con nhỏ. Mình đành vác hồ sơ thi tuyển vài chỗ mới nhưng trượt nên nản, đành ở nhà chờ cơ hội khác”. Cơ hội tốt chưa thấy đến nhưng Hồng đã trở thành một bà mẹ béo phì và lôi thôi vì tối mắt với con mọn.

Không những thế, Hồng còn mắc tật “thức đêm, ngủ ngày”. Cứ buổi trưa, cô cùng bé làm một giấc thật say đến chiều nên đêm tới, Hồng không sao chợp mắt trong vòng tay chồng được. "Chuyện vợ chồng giờ cũng kém chất lượng lắm vì anh ấy muốn "làm" cho xong để còn ngủ mà mình thì cần ân ái dài hơn vì còn tỉnh táo lắm" - Hồng kết luận.

Osin kiêm bảo mẫu

Hễ ai đặt chân vào nhà Nguyệt (Quận Ba Đình, Hà Nội) đều phải thốt lên ngỡ ngàng: “Đúng là nhà có con nhỏ”.

Nguyệt trình bày: “Mình vừa xếp đồ chơi cho bé vào giỏ thì đứa cháu (con chị ruột) đã tìm cách phá”. Biết Nguyệt tình nguyện ở nhà chăm con nên chị cô nhờ trông luôn bé 2 tuổi nhà mình.

“Bà ấy tưởng, mình ở nhà sướng lắm ấy! Mình đến phát ốm vì ngó đứa trước, canh đứa sau quá” – Nguyệt cho biết thêm.

Osin nhạy cảm

Còn anh Tiến (Lào Cai) khốn khổ tâm sự: “Mình thấy lương vợ thấp nên bảo ở nhà chăm chồng con cho đỡ vất. Ai ngờ, kể từ ngày đó, cô ấy trở nên nhạy cảm và hay khóc lóc. Mình mới nói nhẹ "Món thịt kho này hơi nhiều muối em ạ’ thì cô ấy đã lu bù "Anh ở nhà mà nấu nhá. Anh tưởng em sướng lắm sao: trông con, giặt giũ, lau nhà, nấu cơm, rửa bát… đâu có như anh ngồi mát mẻ ở chỗ làm". Thành ra, mình ngại chả buồn góp ý gì".
 

Giải pháp cho những người vợ ở nhà

Trừ một số phụ nữ có tâm lý hưởng thụ, thích ở nhà để đỡ phải đối mặt với những khó khăn trong công việc, phần lớn người vợ đều muốn tìm cho mình một công việc phù hợp với chuyên môn. Ra ngoài làm việc không chỉ giúp người vợ có thêm thu nhập cho gia đình mà họ còn tăng các cơ hội giao tiếp bên ngoài, thêm vui vẻ và lạc quan hơn.

Rơi vào hoàn cảnh ở nhà, phần lớn người vợ đều mang tâm lý tự ti, thấp kém nên thường nảy sinh những tâm lý bi quan khi có mâu thuẫn với chồng. Thực chất, một loạt các hoạt động cơm nước cho chồng, chăm sóc con nhỏ không hề nhàn hạ và đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Các chuyên gia cho rằng, nhóm phụ nữ nội trợ ở nhà cũng phải đối mặt với tình trạng stress kéo dài không kém những áp lực căng thẳng nơi công sở.

Do đó, trừ trường hợp bất đắc dĩ, nếu không, người vợ vẫn nên tự tìm công việc phù hợp với điều kiện của bản thân bên cạnh việc chăm sóc gia đình. Điều này sẽ giúp cho ông xã gia tăng cơ hội san sẻ việc nhà với vợ mà người vợ cũng tránh được sức ép của osin tại gia. Với những nhóm người vợ có trình độ học vấn không cao (khó khăn khi tìm việc), có thể nhận làm thêm những công việc tại gia như kinh doanh, buôn bán để hòa nhập với xã hội và bớt tâm lý nhàm chán vì phải ở nhà nhiều.

Dịu Hiền

Đọc thêm