Cảm động nữ danh ca lần lượt nuôi 4 con rơi của chồng

Năm mươi năm sau, Thành Được và Út Bạch Lan gặp nhau, hát lại một lớp tuồng “Nửa đời hương phấn” trong một dịp kỷ niệm sân khấu. Có sự hiện diện của Út Bạch Lan, Thành Được kể lại chuyện ghen tan nhà nát cửa năm mươi năm trước. Út Bạch Lan chỉ nói: "Hồi đó còn trẻ, có thương mới ghen. Hổng biết tại sao hồi đó tôi ghen quá!".

 Nghệ sĩ Thành Được quá đào hoa lắm con rơi vợ tạm, nghệ sĩ Út Bạch Lan khi ghen giận cũng cay nồng không kém “Hoạn Thư” nhưng vượt lên trên những đắng cay mất mát là tấm lòng nhân ái vì người yêu, vì con người và vì khán giả. Tình yêu của hai nghệ sĩ Thành Được – Út Bạch Lan không chỉ thăng hoa tạo nên những cảm xúc tuyệt vời trên sàn diễn mà còn sôi động hàm chứa đủ bao hỉ nộ ái ố của cuộc đời.

 Cặp vợ chồng cũ Thành Được - Út Bạch Lan tái ngộ trong vở tuồng nửa thế kỷ sau khi chia tay
Cặp vợ chồng cũ Thành Được - Út Bạch Lan tái ngộ trong vở tuồng nửa thế kỷ sau khi chia tay

Nuôi “bom nổ chậm” trong nhà, gương vỡ bình tan

Hấp lực đào hoa của Thành Được quá mạnh nên dù người vợ “đắp đập be bờ ngăn chặn từ xa” thì lửa lại bùng cháy ngay chính rong nhà. Theo soạn giả Nguyễn Phương thì đỉnh điểm đổ vỡ bắt đầu một ngày đầu xuân năm 1966, như một trái bom nổ chậm bùng nổ. Cô gái tên Trinh, người lo tủ làm tuồng của hai nghệ sĩ tài danh Út Bạch Lan - Thành Được, bỗng nhiên có chửa, cái bụng ngày một phình lớn lên...

Ai là thủ phạm? Anh tài xế? Khi Út Bạch Lan chất vấn, anh tài xế nói nếu cô Trinh nói anh là tác giả cái bào thai đó thì anh vui mừng xin cưới cô Trinh ngay.

Cô Trinh xinh đẹp, nước da trắng nõn nà như bông bưởi, đôi chân mày rậm đen dài khỏi đuôi mắt, môi hồng, má đỏ tự nhiên, người hiền lành nói năng nhỏ nhẹ dễ thương, cưới được một người vợ như cô Trinh là “tôi như hưởng được phước đức của ông bà anh để lại”.

Nhưng rất tiếc anh tài xế không phải là người ở trong tầm mắt yêu chuộng của cô gái nhan sắc.

Đêm đó, sau vãn hát, Út Bạch Lan chất vấn chồng. Thành Được đổ quạu, nói: “Chuyện đâu còn có đó, thủng thẳng rồi xem coi cách giải quyết như thế nào, chớ làm gì mà ồn ào suốt ngày vậy?”. Út Bạch Lan hét lên: “Tôi hỏi anh, cái thai của con Trinh đang mang đó là của ai? Ai là cha của cái bào thai đó?”.

Thành Được bước đến cầu thang định đi xuống nhà dưới, Út Bạch Lan chụp cái gạt tàn thuốc bằng pha lê, liệng một cái thật mạnh trúng vô đầu của Thành Được, máu phun có vòi. Thành Được ngã lăn xuống cầu thang la lớn: "Trời ơi, chết tôi rồi...".

Người tài xế lại đỡ Thành Được lên: "Máu nhiều quá... Mợ Út ơi. Máu trên đầu cậu chảy nhiều quá...". Anh tài xế đỡ ông chủ ra xe, chở đi nhà thương Bình Dân, bác sĩ may hết 12 mũi trên đầu mới cầm máu được. Đêm đó Thành Được mướn khách sạn ở và bặt luôn 3 ngày không về nhà, nhờ tài xế báo cho bà bầu Thơ biết.

Đoàn hát phải đổi tuồng, ngưng không hát tuồng “Nửa đời hương phấn” vì vắng mặt Thành Được và Út Bạch Lan. Đêm hôm ông chồng bị bà vợ liệng cái gạt tàn thuốc bể đầu thì cô Trinh sợ quá, ôm quần áo bỏ trốn khỏi nhà. Bà bếp và chị giúp việc trong nhà cũng bỏ đi luôn, chỉ còn một mình bà chủ.

Ba ngày sau, Thành Được và tài xế về nhà. Lên phòng ngủ, Thành Được thấy dưới gối nằm của vợ có để cái đế bằng sắt để cắm bông. Họ đoán là Út Bạch Lan để cái đế cắm bông bằng sắt dưới gối là cố ý sẽ để thẹo trên mặt chồng để cho anh ta đừng "bay bướm" nữa. Thành Được sợ đến dựng tóc gáy. Anh biết vợ không nói, nhưng một khi đã nổi cơn ghen lên thì không thể đoán trước cô ta sẽ làm gì.

Đúng lúc đó Út Bạch Lan về, thấy chồng cầm cái đế cắm bông bằng sắt, cô không nói gì, bỏ xuống nhà ngồi. Thành Được xuống phòng khách. Út Bạch Lan cho biết đã ký hợp đồng hát cho bầu Long, Kim Chung và đã hủy hợp đồng với bà bầu Thơ. Hai người từ nay ở hai gánh hát khác nhau và cuộc tình chấm dứt ngày hôm đó.

Út Bạch Lan dọn đồ đến mướn một phòng ở tại chung cư Quốc Thanh. Thành Được cũng bán căn nhà đó, chia tiền cho vợ cũ. Anh mướn một phòng ngủ ở khách sạn Majestic.

Tuy nhiên, soạn giả Viễn Châu, người gần gũi cặp nghệ sĩ này không kém Nguyễn Phương thì cho biết, khi cả hai cùng về hát ở đoàn Thanh Minh, hình bóng Thanh Nga đã len giữa cuộc tình của họ. Hàng chục năm sau khi Thanh Nga qua đời, được hỏi về mối quan hệ hai người, Thành Được không thừa nhận cũng không phủ nhận nhưng dành cho Thanh Nga những lời tiếc thương quý trọng cả về sắc đẹp, tài năng và nhân cách.

Út Bạch Lan nuôi bốn con rơi của Thành Được

Điều đáng quý là lòng nhân hậu của Út Bạch Lan đã vượt những cơn ghen phẫn uất. Nữ nghệ sĩ này đã làm được điều mà hiếm người phụ nữ nào làm được là nuôi bốn đứa con rơi của chồng, trong đó có hai đứa con ngay trong lúc hôn nhân nồng ấm, và hai khi đã ly hôn.

Bà đã trải lòng về chuyện này như sau: “Tôi đã nuôi bốn người con rơi của ông ấy, trong đó có 3 đứa khai sinh tên mẹ là tôi. Bốn đứa con là của bốn bà mẹ khác nhau, ở khắp các vùng miền. Lúc sống chung hai đứa, sau khi chia tay hai đứa. Đứa đầu là con gái, tên Liên, con của một nghệ sĩ dưới Cần Thơ. Cháu được 3 tuổi thì được mẹ đưa lên với tôi và nói: “Chị ơi, em vất vả quá không nuôi cháu được. Chị nuôi cháu giùm vì chị cũng chưa con cái gì, nuôi để lấy hên. Khi nào khấm khá, em đến rước cháu về”.

Đứa thứ hai là Dũng, mẹ cháu ở Huế. Khi lỡ lầm, người mẹ ấy bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, bụng mang dạ chửa lặn lội vào Sài Gòn và được giới thiệu tìm đến tôi. Tôi nói: “Thôi thì phận đàn bà con gái, em cứ ở lại, chị thuê nhà cho em ở để sinh nở và thuê bà vú chăm con cho em”. Đứa thứ 3 tên Sơn, con của một phụ nữ ở Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu, hầu như các con đều được mang đến cho tôi khi còn đỏ hỏn.

Trong bốn đứa thì Châu ở với tôi ít nhất là bảy năm, sau đó cùng mẹ qua Mỹ định cư. Liên ở lại với tôi đến khi đi lấy chồng. Giờ cuộc sống con bé cũng rất ổn, vợ chồng có một cơ sở làm sơn mài. Sơn cũng ở với tôi đến lớn rồi lập gia đình.

Cách đây ít năm, Sơn được mẹ về bảo lãnh sang Mỹ và nghe nói sắp tới nó cũng bảo lãnh vợ con sang. Đứa hiền lành, nhẫn nại nhất nhưng bạc phận nhất là Dũng, con tôi mất cách đây 10 năm vì bệnh tật.

Tôi từng hai lần lên bàn mổ nên không có con. Nay nuôi giọt máu của chồng, cũng là trời cho mình những đứa con, đều như nhau cả. Những người phụ nữ là mẹ đẻ của các cháu, với tôi cũng như chị em bạn bè.

Tôi nhớ lần mẹ Sơn về đây xin làm khai sinh lại để bảo lãnh, bà chánh án tòa án bảo, công sức nuôi bao năm sao, cô Út không đòi hỏi tiền nuôi dưỡng. Người ta là Việt kiều, giàu lắm. Tôi chỉ nói, giờ mẹ con họ được đoàn tụ là tôi thấy mừng cho con và cho người mẹ đó, chứ công lao gì ở đây. Để con gọi mẹ đến suốt đời, đó mới là điều thiêng liêng nhất mà tôi yêu quý, trân trọng. Các con cũng giàu có gì đâu, ở Mỹ phải lo mưu sinh trăm bề, làm lụng để mua xe, góp nhà nên rất cực”.

Năm mươi năm chia cách, dư âm còn đó

Hôn nhân tan vở, đoàn hát Thành Được - Út Bạch Lan tan rã vì lý do đau xót, khán giả đến để xem hai nghệ sĩ nổi tiếng, nay không còn người thì đâu ai đến nữa. Qua một vòng đời nghiệt ngã, sau năm 1975, bà hội ngộ với Thành Được qua vai vợ chồng ông Bảy Đờn trong vở “Người ven đô”.

Khi bước lên sân khấu, Thành Được xúc động nói một câu ngoài kịch bản: "Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?" Lúc ấy bỗng dưng bà khóc, khóc thật nhiều dù cảnh ấy không có trong kịch bản.

Còn có chuyện sau này Thành Được ở Mỹ, đánh tiếng về cho bạn bè. Bà kể: “Ổng hỏi ý chắc là tôi hận ổng lắm, ông biết ông có làm gì cũng không hết tội với tôi. Nhưng tôi nhắn lại với người bạn đó rằng nói với ông yên tâm mà sống, tôi không hận gì cả. Đó là cái nghiệp của tôi. Nói không chừng tôi còn phải cảm ơn ông.

Chia tay ông tôi thấy nhẹ nhàng hơn, chứ ngày nào cũng khóc cho mình, rồi khóc cho vai diễn tôi đuối sức quá. Những nỗi đau đã trải qua giúp tôi hát tâm trạng hơn, chính vì vậy tôi được khán giả yêu thương nhiều hơn, tôi đã coi đó như một sự đền bù rồi”.

Nghệ sĩ Thành Được, một trong vài khuôn mặt lẫy lừng của sân khấu ca kịch miền Nam đang sống ở nước ngoài, và hiện là chủ nhân của một tiệm ăn mang tên ông: Nhà hàng Thành Được tại thành phố Milpitas, Thung lũng điện tử. Khách đến đây, có thể sẽ gặp một ông chủ nhà hàng hoạt bát, vui vẻ, niềm nở. Nếu là người quen cũ, đôi khi ông bắt tay, kéo ghế ngồi hàn huyên chuyện đời, và có lúc sẽ được nghe ông nhắc lại thời vàng son của ông ở Sài Gòn năm xưa.

Năm mươi năm sau, Thành Được và Út Bạch Lan gặp nhau, hát lại một lớp tuồng “Nửa đời hương phấn” trong một dịp kỷ niệm sân khấu. Có sự hiện diện của Út Bạch Lan, Thành Được kể lại chuyện ghen tan nhà nát cửa năm mươi năm trước. Út Bạch Lan chỉ nói: "Hồi đó còn trẻ, có thương mới ghen. Hổng biết tại sao hồi đó tôi ghen quá!".

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm