28 địa phương và một số bộ, ngành có quy định này
Ông Ba cho biết, khi báo chí phản ánh liên quan đến quy định tại trụ sở tiếp công dân tại UBND TP Hà Nội về việc ghi âm, ghi hình phải được cán bộ tiếp dân đồng ý, Cục đã vào cuộc xem xét. Theo đó, việc các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân là thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm do Luật Tiếp công dân 2013 (thi hành từ 2014) quy định.
Cụ thể, khoản 6, Điều 12 Luật Tiếp công dân quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Đối với các cơ quan khác, Luật Tiếp công dân cũng quy định rõ như vậy. Đây đều là nội quy tại các trụ sở có địa điểm cụ thể. Chẳng hạn, UBND TP Hà Nội ban hành nội quy tiếp công dân tại địa chỉ 34 Lý Thái Tổ và 20 Hoàng Diệu.
Trong quá trình xem xét, Cục đã rà soát tổng thể của cả nước, có tới 62/63 tỉnh, thành ban hành nội quy tiếp công dân. Tuy nhiên, nội quy có quy định không quay phim, chụp ảnh… khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có một số cơ quan quy định. Chính xác là có một số bộ và 28 địa phương trong nội quy có quy định đó, nhưng cách thể hiện có thể có sự khác nhau về câu chữ.
Một điều đáng quan tâm là quy định trong các nội quy được ban hành rải rác các năm và trường hợp của Hà Nội là gần đây nhất, còn các bộ, ngành, địa phương ban hành ngay sau khi có Luật Tiếp công dân. Quy định nêu trong các nội quy đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng mãi đến gần đây dư luận mới quan tâm và có ý kiến trái chiều.
Cũng theo ông Ba, khi xem xét về nội dung và thẩm quyền, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các địa phương ban hành nội quy như vậy là thực hiện theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao. Luật không quy định cụ thể và không cấm, tuy nhiên trong Luật (khoản 8, điều 6) quy định nghiêm cấm vi phạm quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân. Đồng thời, quy định về nghĩa vụ của công dân là phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân.
Đối chiếu với Luật Ban hành VBQPPL, ông Ba phân tích, những nội dung trong các nội quy không thuộc loại QPPL được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành VBQPPL, đây là nội quy được ban hành kèm theo các quyết định hành chính. Nội dung chỉ áp dụng tại không gian phòng tiếp dân cũng không thuộc loại QPPL. Với tính chất như vậy, trách nhiệm xem xét tính pháp lý, tính phù hợp, xử lý như thế nào do chính cơ quan ban hành nội quy đó. Ở đây có trách nhiệm rất quan trọng của Thanh tra Chính phủ - cơ quan được Chính phủ giao tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tiếp công dân.
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm trước vấn đề người dân, dư luận quan tâm, Cục Kiểm tra VBQPPL vẫn vào cuộc xem xét. Ngoài ra, trong buổi làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng và các cơ quan liên quan, chuyên gia hàng đầu, Cục đã có khuyến nghị trực tiếp với đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ và UBND TP HN trong việc xem xét, rà soát quá trình thực hiện đảm bảo tính chặt chẽ để thực thi. Thanh tra Chính phủ cần có rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp phù hợp đảm bảo việc thực thi công vụ của công chức, tính tôn nghiêm, văn minh, văn hóa ứng xử… trong phòng tiếp công dân.
139 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển đã điểm lại một số kết quả công tác của Bộ từ quý IV/2018 đến nay về công tác xây dựng VBQPPL, công tác thi hành án dân sự. Bộ cũng tổ chức thành công Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Đại hội Đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất, thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2019…
Đáng chú ý, trong quý IV vừa qua, thực hiện Thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Lào trong việc rà soát, lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú; tổ chức các đoàn công tác đến một số địa bàn trực tiếp hướng dẫn những người có tên trong danh sách được phê duyệt lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đến nay, Bộ đã trình Chủ tịch nước ký quyết định cho 18 trường hợp tại tỉnh Quảng Bình, 2 trường hợp tại tỉnh Hà Tĩnh và 119 trường hợp tại tỉnh Quảng Trị được nhập quốc tịch Việt Nam; đang làm thủ tục trình Chủ tịch nước 83 trường hợp cư trú tại tỉnh Điện Biên. Việc người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam đã giúp họ yên tâm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo (bao gồm tạo điều kiện pháp lý để họ làm các giấy tờ nhân thân, khai sinh, kết hôn, đăng ký sở hữu tài sản…).
“Đây là việc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Kết quả đạt được cũng đã khẳng định những cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người cơ bản của Việt Nam” – ông Hiển nhấn mạnh.