Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc diễn ra ở Hà Nội đầu tháng 1-2010, bộ phim tài liệu “Người giữ thành Hà Nội” của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng đã đoạt Huy chương Vàng. Có thể coi đây là một trong những tác phẩm báo chí-nghệ thuật tiêu biểu của Đà Nẵng chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Từ phải sang: GS Sử học Lê Văn Lan, GS Hoàng Tụy và tác giả tại Võ Miếu, Hà Nội, nơi Hoàng Diệu tuẫn tiết. |
Hoàng Diệu là người con ưu tú của Đất Quảng địa linh nhân kiệt, có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá rất cao về cụ Hoàng Diệu:
Nước ta nhiều bậc tôi trung
Tấm lòng tiết tháo rạng cùng tuyết sương
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương
Cùng thành còn mất làm gương để đời
Bằng nhiều tư liệu lịch sử mới mẻ, bằng những nhận xét sâu sắc của các nhà sử học tên tuổi, và bằng những cảnh quay chân thực, dung dị ở quê nhà, ở thành cổ Hà Nội, chúng tôi có nhiều cố gắng khắc họa chân dung Hoàng Diệu một cách cụ thể, sinh động. Và cụ Hoàng Diệu hiện lên trong phim chúng tôi là một nhà lãnh đạo, một người chỉ huy có tài năng, có nhân cách, hết lòng thương yêu nhân dân, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì “Hoàng Diệu là một người có học thức, có đạo đức. Và ông đã sử dụng học thức, đạo đức vào nhiệm vụ trị nước. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với thời xưa mà vẫn còn ý nghĩa trong xã hội ta ngày nay…”.
Trong phim có nhiều chi tiết mà chúng tôi tin là sẽ đọng lại lâu dài trong lòng người xem. Chẳng hạn như trường đoạn nói về lòng hiếu thảo của Hoàng Diệu và sự nghiêm khắc dạy con của người mẹ. Khi làm Tổng đốc Hà Nội, Hoàng Diệu mua mấy thước lụa Hà Đông- đặc sản của chốn kinh kỳ, gửi về quê nhà tặng mẹ. Sau khi mở quà ra xem, người mẹ lặng lẽ ra vườn bẻ một chiếc roi dâu, vào gói trong xấp lụa rồi gửi ra cho Hoàng Diệu, ngụ ý yêu cầu con làm quan phải liêm khiết, phải “chí công vô tư”… Nhận được chiếc roi, Hoàng Diệu hiểu ngay ý mẹ, và từ đấy lòng dặn lòng phải luôn giữ mình trong sạch theo lời mẹ dặn. Một chi tiết khác cũng rất ấn tượng và dễ gây xúc động là, lúc Hoàng Diệu đang làm Tổng đốc thì vợ ông ở quê nhà đang đi cấy lúa. Nghe tin chồng mất, bà Hoàng Diệu đã ngất xỉu ngay trên bờ ruộng lúa của mình…
Chuyện Hoàng Diệu hiên ngang chỉ huy chiến đấu giữ thành Hà Nội, rồi khi thành mất, ông đã tuẫn tiết thì nhiều người biết, nhưng chuyện Hoàng Diệu hết lòng chăm lo cho nhân dân Hà Nội thì ít người biết. Sau khi nhận chức Tổng đốc Hà Nội, Hoàng Diệu đã “vi hành” và nhận thấy dân chúng quanh thành quá khổ sở vì sự nhũng nhiễu của quan lại địa phương và sự quậy phá của bọn vô lại.
Thế là lập tức Hoàng Diệu ban hành ngay một cái lệnh, gọi là “Lệnh cấm trừ tệ”, cho khắc vào bia đá gắn trước của Ô Quan Chưởng. Nội dung văn bia là yêu cầu các lý dịch, quan phường không được gây khó dễ cho nhân dân trong việc buôn bán, làm ăn, đi lại trên sông, trên chợ. Nếu ai bất tuân thì sẽ bị nghiêm trị. “Lệnh câm trừ tệ” khắc trên cửa Ô năm 1881 vẫn còn đến ngày nay là biểu tượng tuyệt vời về lòng thương yêu nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Chính vì Hoàng Diệu trọng dân, yêu dân nên nhân dân Hà Nội cũng nể phục và hết lòng ủng hộ Hoàng Diệu. Khi giặc Pháp tấn công thành Hà Nội, trong lúc “quan văn bỏ chạy, quan võ cũng theo gió cuốn đi”, thì rất nhiều người dân ở bên ngoài thành đã tự đốt nhà mình để ngăn cản bước tiến của kẻ thù nhằm ủng hộ cuộc kháng chiến do Hoàng Diệu chỉ huy. Đó là việc làm rất cảm động và đáng suy nghĩ.
Ngay sau khi Hoàng Diệu qua đời, ở Hà Nội xuất hiện hai tác phẩm “Hà thành thất thủ ca” và “Hà thành chính khí ca”, phản ánh cuộc kháng chiến giữ thành vừa diễn ra, đặc biệt thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, nể phục và kính yêu vị Tổng đốc anh hùng của mình:
Trời cao bể rộng đất dày
Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi
Thương ôi trong buổi lưu ly
Tấc riêng ai chẳng thương vì người trung…
Trong dịp kỷ niệm ngàn năm tuổi, Hà Nội không quên những người đã đóng góp công lao, sức lực, trí tuệ và cả máu xương để xây dựng, bảo vệ Hà Nội suốt chiều dài lịch sử. Đất Quảng tự hào có một người con ưu tú đã làm được việc đó. Và đó cũng là cảm hứng của chúng tôi khi thực hiện bộ phim “Người giữ thành Hà Nội”.
HUỲNH HÙNG
* Bộ phim "Người giữ thành Hà Nội”: Kịch bản-Đạo diễn-Lời bình: Huỳnh Hùng; Quay phim: Nhật Hoàng cùng các cộng sự của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng.