Cảm nhận mùa thu tháng Tám

Một dòng điện cực mạnh phát ra từ trái tim Việt Nam yêu nước và quật khởi truyền đi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Như một phản ứng dây chuyền chỉ trong 15 ngày, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên khắp đất nước!

Một dòng điện cực mạnh phát ra từ trái tim Việt Nam yêu nước và quật khởi truyền đi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Như một phản ứng dây chuyền chỉ trong 15 ngày, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên khắp đất nước!

Hà Nội cách Sài Gòn 1719 km đường bộ và 1726km đường sắt. Ngày19/8 Hà Nội khởi nghĩa, 23/8 Huế giành chính quyền và 25/8 là Sài Gòn. Xin gợi lại những cột mốc thời gian: ngày 13/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào ở Tuyên Quang quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.

Vào thời điểm ấy, trong cả nước, Đảng chỉ có khoảng 5 ngàn đảng viên.Uy ban khởi nghĩa được thành lập. Vào 23 giờ đêm 14/8 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 16/8 Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch gửi đi lời kêu gọi tổng khởi nghĩa nói trên.

Trong điều kiện trình độ và phương tiện thông tin lúc bấy giờ, tín hiệu khởi nghĩa khác nào que diêm xòe vào thùng thuốc súng của lòng căm hờn và ý chí quật khởi nung nấu trong lòng dân tộc, mỗi người Việt Nam không phân biệt trẻ già, giàu nghèo, tôn giáo tín ngưỡng, giai cấp và ý thức hệ tạo thành dòng thác của Cách Mạng Tháng Tám! Sức dân như nước vỡ bờ, chỉ trong 15 ngày, từ khi lệnh Tổng khởi nghĩa phát ra, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên khắp đất nước! Dòng sông cuộc sống trở thành dòng thác cuồn cuộn chảy không gì cản được! Cần nhớ lại, lúc ấy, Đảng chỉ có khoảng 5000 đảng viên.

Rõ ràng là, quyết định không phải là số lượng, mà là chất lượng của vai trò tiền phong và phẩm chất đảng viên và quyết định là ở "chính sách của Đảng đúng, và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Có được thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 vì chủ trương đường lối của Đảng lãnh đạo đã đáp ứng được ý chí và khát vọng của nhân dân do đó mà trả lời được câu hỏi bức xúc của cuộc sống, thì mới đến được với lòng dân.
 
 
Không như thế, không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như bất cứ thắng lợi nào. Lúc nào đường lối chủ trương không phản ánh được thực tế đời sống khách quan mà chỉ là chủ quan duy ý chí, không là sự đúc kết những đòi hỏi nóng bỏng của đại đa số quần chúng nhân dân, chỉ nhằm đáp ứng được quyền lợi của một nhóm người, thì lúc ấy dân không đồng tình ủng hộ, thất bại là điều không tránh khỏi. Đó là bài học sống động và rất nghiêm khắc của lịch sử mà hơn nửa thế kỷ qua mỗi người dân đều thấm thía. Kỷ niệm 65 năm CMT8, càng khắc sâu bài học thật sống động và thấm thía đó.

Một cổ hai tròng, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, cuộc sống lầm than của dân ta bị đẩy tới miệng vực. Tức nước thì phải vỡ bờ theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Những ngày "tiền khởi nghĩa Tháng Tám" dòng sông Hồng sục sôi, dòng chảy cuồn cuộn với mực nước lên cao chưa từng có, hệ thống đê bị uy hiếp nặng nề. Hơn hai triệu người chết đói. Từ các tỉnh, ở làng không làm sao còn kiếm được miếng ăn, người đói dật dờ đi xin và chết gục la liệt dọc quốc lộ. Trên đường phố, vỉa hè Hà Nội xác người chất ngổn ngang. Suốt ngày đêm, những chiếc xe chở rác đã phải dùng chở xác người chết đi chôn:

"...Bánh nghiến nhựa đường nghe xào xạo

Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..."

Văn Cao. "Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc"

Đúng là cả nước ta lúc bấy giờ lòng căm hờn chất chứa khác nào một thùng thuốc súng chỉ đợi một que diêm xòe vào. Mệnh lệnh khởi nghĩa  chính là mệnh lệnh của cuộc sống, mệnh lệnh của trái tim uất hận. Và chính mệnh lệnh ấy là que diêm châm vào thùng thuốc súng của lòng uất hận ấy. Vùng lên hay là chết! Cách mạng Tháng Tám đã nổ ra vào lúc thời cơ đã chín muồi!

Đúng là lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực lượng nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân. Dòng chảy của lịch sử miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội khó dự báo được hết. Cách mạng Tháng Tám 1945 là sự thể hiện sống động của quy luật đó. Và đó chính là biện chứng của lịch sử.

Và nếu nhìn lại lịch sử dân tộc, cũng thấy hiện rõ lên những sự kiện không kém phần sống động. Chỉ xin dẫn ra một sự kiện Quang Trung Nguyễn Huệ. Chiến thắng thần tốc đập tan mấy chục vạn quân xâm lược nhà Thanh nói lên thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đồng thời cũng chứng minh lực bứt phá trong vận động tự thân của sức sông dân tộc, đưa đến những hợp trội kỳ diệu trong dòng chảy của lịch sử.

Cần nhớ rằng, thời đoạn lịch sử thời Lê Mạt vua Lê, chúa Trịnh với phong trào nông dân nổi lên rầm rộ, rộng khắp và kéo dài hàng chục năm, đẩy tới sự đổ vỡ của nhà nước Lê - Trịnh, chuẩn bị cho sự quật khởi của phong trào Tây Sơn. Đây là báo hiệu sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến trên phạm vi cả nước.

Việt Nam Sử Lược chép về thời Lê Chiêu Thống như sau: "Người bấy giờ bàn riêng với nhau rằng : "Nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên hiệu vua Tàu, việc gì cũng phải bẩm đến quan Tổng đốc, thế thì có khác gì là đã nội thuộc rồi không?".

Khi mà người đứng đầu trăm họ đã hèn nhát nhục nhã như vậy thì hưởng ứng lời kêu gọi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đứng lên đánh giặc cứu nước là điều dễ hiểu. Cho nên, như sử  đã chép: Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân dừng chân ở Nghệ An hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn! Nâng quân số lên tới 10 vạn chỉ trong mười ngày dừng chân tại Nghệ An là nhờ có những người "chân đất" đã biết theo mệnh lệnh của trái tim có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ.

Thử hỏi không có sức dân ấy, không có lòng dân theo về thì làm sao có được chiến thắng thần tốc 6 ngày điệt tan mấy chục vạn quân Thanh?  Không có điều ấy thì dù là thiên tài cũng phải bó tay.

Đúng hơn, thiên tài chính là đã biết phát hiện, khơi dậy và phát huy được sức mạnh vô tận của khối nhân dân vĩ đaị, người làm nên lịch sử. Biết khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh được khởi nguồn từ mệnh lệnh trái tim ấy chính là bản lĩnh của người lãnh đạo. Không biết điều ấy thì lịch sử đã từng phế bỏ! Bài học lịch sử luôn luôn mới. Bài học ấy rọi ánh sáng vào sự nghiệp của nhân dân ta trong hai phần ba thế kỷ XX dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh mà Cách mạng Tháng Tám là một minh chứng.

Bài học Tháng Tám đang giục giã chúng ta! Tại những đoạn nước xoáy của dòng sông, váng bẩn nổi lên nhiều! Nhưng những váng bẩn ấy không ngăn nổi sức cuộn chảy từ bên dưới. Sức cuộn chảy ấy mới quyết định tốc độ của dòng sông. Sông vẫn xuôi về biển cả cho dù có lúc phải ngoằn ngoèo nương theo địa hình có lúc cứ tưởng như ngược hướng biển, nhưng rồi sông vẫn đến được nơi nó phải đến. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám củng cố vững chắc niềm tin ấy, tin vào sức dân.

Theo tuanvietnam.net

Đọc thêm