Cảm nhận thú vị của nữ Việt kiều trẻ đón Tết ở Việt Nam

(PLVN) - Đối với nhiều người trẻ sinh sống ở nước ngoài, được về quê nhà Việt Nam ăn Tết là trải nghiệm hết sức thú vị.
Cảm nhận thú vị của nữ Việt kiều trẻ đón Tết ở Việt Nam

Đối với mỗi người Việt thì Tết cổ truyền rất quan trọng. Đó là dịp để mọi người từ bốn phương tìm về cội nguồn, quây quần bên nhau sau nhiều ngày xa cách, cùng trang trí nhà cửa, làm cơm cúng tổ tiên... Mâm cơm 30 Tết và mùng 1 Tết rất đầm ấm, tất cả con cháu một nhà sum họp, nó thể hiện giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất.

Được đón Tết ở Việt Nam thật là thú vị. Về ăn Tết mới hiểu được chuẩn bị Tết vất vả như thế nào, hầu hết mọi người đều mua quần áo mới, mua nhiều thực phẩm dự trữ, mua cây đào, cây quất...

Nhà nào cũng đi mua sắm. Cửa hàng nào cũng hạ giá. Tuy nhiên, mua hàng Tết không biết chọn thì sẽ bị người bán "hét" giá đắt hơn nhiều giá thật. 

Vào dịp Tết, đi chợ Tết sẽ thoải mái ngắm đào, mai, quất cảnh. Chọn mua được 1 cây trưng Tết đòi hỏi phải kỳ công, tinh ý. Nhiều người chọn cây theo tiêu chí ưu tiên cây có đủ hoa, lá, chồi, nụ, quả xanh, quả chín, quả non, số cành lẻ, dáng uốn lượn theo ý muốn hoặc tròn đầy, xum xuê, với quan niệm năm mới nhiều tài lộc, có của dư... Không nhất thiết phải cây quá to, mà sẽ là những cây đáp ứng những tiêu chí trên, phù hợp không gian trưng bày.

Chọn được cây như ý còn phải biết mặc cả, mặc cả khéo để có giá thấp nhất nhưng nếu chần chừ không mua ngay thì sẽ... mất quyền mua, bởi cây được cho là đẹp ấy sẽ nhanh chóng có người khác nhòm ngó để mua. Tôi từng chứng kiến những trường hợp bị "nẫng tay trên" như vậy. Bởi không ít người có suy nghĩ: "Ngày Tết đắt rẻ vài chục nghìn không quan trọng, miễn là chọn được cây ưng ý và mua nhanh. Tết nhất nhà bao việc, dành thời gian làm việc khác".

Nhiều người lại để đến lúc "vét chợ", chiều 30 mới mua cây. Theo kinh nghiệm những người này, thười điểm "vét chợ", cây sẽ được "bán tống bán tháo", rẻ bằng 1/3, thậm chí một nửa giá bán trước đó, bởi sau Tết không thế bán được, hiếm ai còn mua quất, đào trưng trong nhà. Tuy nhiên, cũng có một vaifn năm thời tiết không thuận lợi, "vét chợ" cây vẫn cao giá.

Gói bánh chưng, nấu bánh chưng thật cầu kì nhưng rất vui, bởi đó là cảnh đặc thù, là hương vị Tết bao đời của người Việt Nam. Đó là một nghệ thuật và không phải ai cũng đủ kiên trì để làm, bởi nhiều công đoạn "lách cách". Nào rửa lá, ướp thịt rồi đồ đậu xanh, gạo thì phải ngâm và trộn cùng nước lá mầu xanh để sau khi luộc bánh có mầu đẹp mắt...

Gói bánh có thể coi là khó khăn nhất, tôi, một cô gái 22 tuổi không quá vụng về nhưng thử mãi mà cái bánh không thể vuông như các bác, các cậu của mình gói. Bánh thường có trọng lượng 1kg hoặc 0,5kg, phần nguyên liệu thừa sẽ gói thành một bánh chưng con cho trẻ em thường thức trước.Bánh chưng sẽ được luộc trong nồi to, người luộc bánh phải giữ lửa đều trong cả chục tiếng đồng hồ. Càng luộc lâu bánh càng "rền", ngon. Tham gia luộc bánh, được hít thở mùi thơm của củi cháy và hơi ấm có vị ngai ngái của nước luộc tỏa ra trong tiết trời lạnh giá thật thú vị. Trong lúc đợi bánh chín mình có thể tận dụng than củi nướng khoai lang, khoai tây, hành, mía... 

Bánh được dỡ ra, chưa bao giờ thấy bọn trẻ con háo hức, vui đến thế. Chúng chờ nhận phần bánh chưng con.

Ngày 30 trước bữa cơm tất niên, nhà nào cũng cử người ra mộ thắp hương cho tổ tiên. Nhắc đến nghĩa trang, người ở nước ngoài thường nghĩ một nơi đầy nước mắt nhưng không khí tại các nghĩa trang Việt Nam vào ngày cuối cùng của năm cũ rất ấm cúng với mùi hương và tiếng nói cười rổn rảng.

Vào dịp Tết mới biết ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... có đông người ngoại tỉnh đến thế. Các bến tàu, bến xe, ga tàu, ga hàng không ở những thành phố này đông nghìn nghịt người và phương tiện. Mấy ngày trước và sau Tết, người ngoại tỉnh dắt díu con nhỏ, ôm kéo túi xách, va li, đồ đạc lỉnh kỉnh về quê. Sau Tết lại cảnh đó "đổ" lại thành phố. Đường ra hoặc vào thành phố lúc nào cũng đông. Không ít người chịu khó lên đường từ khoảng 4h sáng để tránh tắc đường. Trong khi đó, những ngày Tết thì đường nội thành các thành phố này lại "vắng tanh vắng ngắt".

Tết Nguyên đán của người Việt ở nước ngoài Tết thường chỉ diễn ra một ngày bởi hôm sau mọi người vẫn phải đi làm bình thường. Nếu ngày mùng một rơi vào ngày làm việc thì chỉ có đêm 30 cả gia đình quây quần bên nhau. Còn ở Việt Nam, Tết diễn ra cả tuần, ít nhất từ 29 - 30 đến mùng 3, mùng 4.

Các gia đình đi chùa vào giao thừa để cầu một năm mới bình an, may mắn và hạnh phúc. Từ mùng 1 Tết mọi người bắt đầu đi chúc Tết, gần như mỗi một ngày đi chúc Tết là một bộ quần áo khác nhau. Phụ nữ trang điểm thật đẹp, có người không nhận ra người quen vì ngày Tết trông họ thật khác lạ. Nhiều thành thị, pháo hoa rạng rỡ bay lên. Trẻ con háo hức nhận bao lì xì đủ mầu sắc, bên trong là những đồng tiền mới cứng.

Những ngày Tết, các gia đình Việt luôn đầm ấm bởi con cháu quây quần bên ông bà, bố mẹ. Họ hàng được gặp nhau tương đối đông đủ.

Tết ở Việt Nam là dịp hội tụ tình cảm sau một năm bận rộn, vất vả, là thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Ai cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Tết là sum họp và tất cả những ai ở xa cũng muốn trở về để cảm nhận được sự thiêng liêng của Tết cổ truyền Việt Nam bên người thân. 

Đọc thêm