Cảm nhận về mùa thu đất nước

Trong không khí náo nức vang vọng từ mùa thu Cách mạng, chúng tôi đến thăm làng Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực), đi trên những con đường liên thôn, xóm khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên mới thấy sự đổi thay, khởi sắc của một vùng quê vốn nổi danh là làng kháng chiến, làng hiếu học. Mùa thu này, với nhân dân nơi đây, niềm vui như được nhân lên khi Duyên Hưng là một trong 3 làng của tỉnh được chọn đi dự Hội nghị biểu dương 20 năm phong trào xây dựng Làng văn hoá điển hình toàn quốc năm 2010.

Khu trung tâm Làng văn hoá Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực).                                         Ảnh: Xuân Thu

Ở tuổi 87 hiện nay, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đàm Thị Kết đã chứng kiến những giây phút lịch sử trong những ngày Cách mạng Tháng 8. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Vụ Bản, 16 tuổi, mẹ tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc địa phương rồi kết duyên với ông Phùng Văn Rung. Năm 1946, kháng chiến bùng nổ, ông Rung thoát ly tham gia lực lượng công an huyện, mẹ Kết là ủy viên Hội Phụ nữ cứu quốc xã Liên Bảo. Chồng mẹ hoạt động trong lòng địch với nhiệm vụ diệt tề, trừng trị những tên tay sai nguy hiểm. Năm 1950, niềm hạnh phúc của vợ chồng mẹ Kết được "đơm hoa, kết trái" khi đón cậu con trai cất tiếng khóc chào đời, đặt tên là Phùng Cương Quyết. Rồi vào chiều đông năm 1951, mẹ Kết nhận được tin: chiến sỹ công an Phùng Văn Rung đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Nỗi đau của mẹ biến thành lòng căm thù giặc. Mẹ tham gia công tác địch vận. Hàng ngày khi màn đêm buông xuống, mẹ gửi con rồi lặn lội tới từng nhà vận động nhân dân tham gia "Hũ gạo kháng chiến", "May áo chiến sỹ"... Nhiều lần cải trang là người buôn bán, mẹ mang con lên thành phố rồi bí mật rải truyền đơn. Sự kiên trung, mưu trí của mẹ đã "qua mặt" nhiều chốt gác của địch, làm nên những chiến công thầm lặng. Tháng Giêng năm 1954, trong một lần đi rải truyền đơn, mẹ Kết bị địch bắt tại bốt Trình Xuyên; khi ấy, chúng tá hỏa nhận ra rằng: người góa phụ trẻ với đôi quang gánh hàng rong, tay bế con nhỏ là "đối tượng nguy hiểm" chuyên đi rải truyền đơn khắp làng trên, xóm dưới. Giặc đưa mẹ Kết về nhà tù Máy Chai, tại đây, chúng tra tấn với mọi cực hình nhưng mẹ không khai nửa lời, giặc bất lực nhốt mẹ vào khu biệt giam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mẹ thoát khỏi ngục tù thực dân, trở về quê hương. Thời gian trôi qua, Phùng Cương Quyết, con trai mẹ Kết tròn 18 tuổi; theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh viết đơn xung kích vào mặt trận đánh giặc. Ngày 10-6-1969, chiến sỹ đặc công Phùng Cương Quyết đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên-Huế. Mẹ nén nỗi đau trong lòng và luôn tâm niệm sẽ sống xứng danh với người đã khuất.

Câu chuyện về gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Đàm Thị Kết là một trong những nét khắc hoạ cao đẹp của đất và người Nam Định về truyền thống yêu nước, cách mạng. Trải qua 65 năm từ mùa thu lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta đã lập nhiều chiến công vang dội trên chặng đường vệ quốc, kiến quốc, phát triển quê hương ngày một giàu mạnh. Những tên đất, tên làng, tên người đã đi vào lịch sử kết tạo nên những huyền tích oanh liệt. Chúng tôi về thăm đền, chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), nơi đây không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà còn được biết đến là cái nôi phong trào cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đền, chùa tôn nghiêm này đã trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Nơi đây cũng là địa điểm thành lập chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội năm 1927, là một trong những tổ chức cách mạng nòng cốt của hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy. Chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tối 20-9-1945, tại ngôi chùa Tự Lạc, là nơi họp bàn và điểm xuất phát của đoàn quân khởi nghĩa, lực lượng quần chúng tiến vào huyện lỵ Xuân Trường giành chính quyền về tay nhân dân. Và cũng trên mảnh đất này, từ trong đấu tranh cách mạng đã xuất hiện nhiều tấm gương ưu tú như: Đại tá, Anh hùng LLVTND Đinh Thị Vân, Đinh Thúc Dự, Đặng Trần Hoàn, Đinh Trung Tuyến, Nguyễn Trường Thúy, Trịnh Thế Cửu. Hiện nay, đền chùa Tự Lạc được UBND tỉnh công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa.

Trong không khí náo nức vang vọng từ mùa thu Cách mạng, chúng tôi đến thăm làng Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực), đi trên những con đường liên thôn, xóm khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên mới thấy sự đổi thay, khởi sắc của một vùng quê vốn nổi danh là làng kháng chiến, làng hiếu học. Mùa thu này, với nhân dân nơi đây, niềm vui như được nhân lên khi Duyên Hưng là một trong 3 làng của tỉnh được chọn đi dự Hội nghị biểu dương 20 năm phong trào xây dựng Làng văn hoá điển hình toàn quốc năm 2010. Ông Trần Ngọc Bội, 79 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, nguyên là đội du kích Duyên Hưng thời kỳ 1949-1952 đã kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đau thương, mất mát dưới gót giày xâm lược song cũng rất anh dũng, kiên cường của đất và người Duyên Hưng. Trước Cách mạng Tháng Tám, đời sống của nhân dân nơi đây quanh năm cơ cực, đói rách bởi chính sách bóc lột của chính quyền thực dân và cường hào, địa chủ. Nạn đói năm 1945, cả xã Nam Lợi có 1545 người chết đói, thì làng Duyên Hưng có hàng trăm người chết, trong đó, có nhiều gia đình không còn một ai. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Duyên Hưng trở thành khu căn cứ cách mạng. Địch tăng cường lực lượng bình định, càn quét nhằm phá vỡ các cơ sở cách mạng của ta, biến vùng quê nơi đây thành "phòng tuyến trắng" của chúng. Chỉ tính riêng trong 2 năm 4 tháng, địch lập bốt Nam Hưng, Ngọc Tỉnh, Cổ Ra bắt bớ, giam cầm, tra tấn các đảng viên, thậm chí cả người dân vô tội, cả một vùng quê tang thương, đẫm máu vì tội ác quân thù. Nhiều tấm gương chiến sỹ cộng sản yêu nước của quê hương Duyên Hưng nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường trước kẻ thù, anh dũng ngã xuống ngay trên quê cha, đất tổ còn được lưu danh đến hôm nay, như các đồng chí: Trần Văn Huân, Trần Văn Luyến, Nguyễn Văn Phồn. Biến đau thương, lòng căm thù giặc thành sức mạnh quật khởi, nhân dân Duyên Hưng nguyện một lòng theo Đảng, Bác Hồ cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để bảo vệ làng quê. Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, làng có hàng trăm thanh niên lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc, 35 liệt sỹ, 150 người được thưởng huân, huy chương các loại. Trong nhịp sống mới, làng kháng chiến vinh danh một thời đã trở thành làng văn hoá điển hình của tỉnh. Duyên Hưng hiện có 377 hộ với 986 nhân khẩu; từ nhiều năm nay, làng không còn hộ đói, số hộ khá, giàu đạt hơn 40%; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, sử dụng nước sạch, hơn 6 km hệ thống đường giao thông dong, xóm được bê tông hoá. Nhiều năm liền, Duyên Hưng không có trường hợp sinh con thứ 3, không có các tai, tệ nạn xã hội; nhân dân trong làng đồng tình và thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế về nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang. Thông qua hoạt động của các CLB, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao của thôn phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Chia tay "làng kháng chiến, làng văn hóa" Duyên Hưng, chúng tôi trở về thành phố Dệt Anh hùng. Ông Vũ Huy Ninh, 92 tuổi, trú tại khu dân cư số 7, phường Trần Đăng Ninh, là lão thành cách mạng đã trực tiếp tham gia giành chính quyền trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 tại thành phố Nam Định. Khuôn mặt ánh niềm vui, giọng ông xúc động: "Là một công dân của quê hương, dù tuổi đã cao, nhưng chúng tôi luôn theo dõi từng bước biến chuyển của tỉnh. Tôi tin rằng với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo…, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn, tận dụng các thời cơ phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2010". Suy nghĩ và niềm tin của người lão thành cách mạng Vũ Huy Ninh cũng là tâm nguyện chung của mỗi người dân Nam Định hôm nay, phấn đấu tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng 65 năm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2-9; chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII./.

Việt Thắng

Đọc thêm