Cấm nói nhưng cho viết

Cái trò hồi ký hay tiểu sử tự thuật này thường động chạm đến rất nhiều người khác và không phải ai cũng hài lòng với tác giả. Không ít người đã kiện tác giả vì cho rằng tác giả không thể hiện đúng sự thật như từng xảy ra.

Modern Talking từng là ban nhạc nổi tiếng thế giới và đã tan đàn xẻ nghé từ khá lâu rồi. Hai thành viên của nhóm là Dieter Bohlen và Thomas Anders đều đi theo con đường ca nhạc riêng  dù không được thành công cho lắm. Cả hai cũng đều xuất bản tiểu sử tự thuật. Sách của họ bán rất chạy vì trong đó toàn chuyện thâm cung bí sử, giật gân hiếu kỳ, nhằm đúng vào khao khát thoả chí tò mò của công chúng.

Cái trò hồi ký hay tiểu sử tự thuật này thường động chạm đến rất nhiều người khác và không phải ai cũng hài lòng với tác giả. Không ít người đã kiện tác giả vì cho rằng tác giả không thể hiện đúng sự thật như từng xảy ra.

Phán xử của toà dù có lợi cho bên nào thì cũng đều là một cách PR cho cuốn sách. Như mới đây nhất trong trường hợp cuốn tiểu sử tự thuật của Thomas Anders.

Trong cuốn tiểu sử tự thuật mang tên "100% Anders" ấn hành giữa tháng 9 vừa qua, cựu thành viên ban nhạc Modern Talking này miêu  tả người vợ cũ Nora Balling là không chịu học lấy một nghề nghiệp và hoang tiêu vô độ, một tháng tiêu phá hết 30.000 DM.

Thomas Anders còn viết rằng ngay từ đầu bố mẹ anh ta đều đã cho rằng cuộc hôn nhân này không bền vững và không kết thúc có hậu. Thomas và Nora cưới nhau năm 1984 khi Thomas 21 tuổi và Nora 20 tuổi. Họ ly hôn sau 14 năm chung sống.

Nora Balling đã kiện Thomas Anders ra toà và yêu cầu Thomas Anders không được nói những điều như vậy về Nora khi đi giới thiệu sách hoặc đọc trích đoạn trước công chúng. Ngày 4/11 vừa qua, toà án ở Koblenz đã chấp thuận yêu cầu của Nora Balling và doạ sẽ phạt Thomas Anders từ 100.000 đến 200.000 Euro nếu Thomas Anders vi phạm tiếp. Lý do là khi ly hôn, hai người đã thoả thuận giữ kín chuyện riêng và toà cho rằng Anders nói ra như thế là vi phạm thoả thuận này.

Xét xử là chuyện của toà án và phán quyết của toà án trong vụ xét xử nào thường có lợi cho bên này và bất lợi cho bên kia. Cái lạ lùng ở phán xử của toà án Koblenz trong vụ vợ cũ kiện chồng cũ nói trên là chỉ cấm nói ra chứ không cấm viết ra. Cùng nội dung ấy thôi mà nói ra trước công chúng thì bị cấm và vi phạm sẽ bị phạt nặng, trong khi viết thành chữ và in ra sách thì lại chẳng bị sao.

Hơn nữa, người vợ cũ chỉ kiện người chồng cũ chứ không kiện nhà xuất bản đã ấn hành và phát hành cuốn sách. Cho nên không hiểu động cơ và mục đích khởi kiện của người vợ cũ thực sự là để giữ kín chuyện riêng tư hay làm PR cho phát hành cuốn sách của người chồng cũ.

Thiên Lang

Đọc thêm