Cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử: Liệu có hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại 5 quốc gia ASEAN cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, kết quả thực tiễn của lệnh cấm dường như không được như kỳ vọng.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, trên thế giới hiện nay có 42 quốc gia cấm kinh doanh và nhập khẩu thuốc lá điện tử (TLĐT); 17 quốc gia cấm thuốc lá làm nóng (TLLN); 8 quốc gia đang kiểm soát TLĐT như dược phẩm và phải được cấp phép kê đơn thuốc theo pháp đồ điều trị; 47 quốc gia quản lý chặt chẽ TLĐT và quản lý như thuốc lá truyền thống, trong đó 28 nước thuộc Liên minh châu Âu…

5 quốc gia ASEAN cấm TLĐT, TLLN hiện ra sao?

Tại 5 quốc gia ASEAN cấm TLĐT, TLLN (bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Brunei và Singapore), kết quả thực tiễn của lệnh cấm rất khác biệt so với mục tiêu đề ra là nhằm ngăn chặn giới trẻ sử dụng và xóa sổ các mặt hàng này trên thị trường.

Từ lúc Campuchia cấm TLĐT, TLLN năm 2014, các sản phẩm này vẫn rầm rộ trên mạng xã hội, gây lo lắng cho xã hội và Chính phủ. Mới đây, ông Meas Vyrith, Tổng thư ký Cơ quan Phòng chống ma túy quốc gia Campuchia (NACD) cho hay, bất chấp lệnh cấm, việc sử dụng TLĐT trong giới trẻ vẫn gia tăng.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại Lào. Thứ trưởng Y tế Lào Sanong Thongsana cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng TLĐT trong giới trẻ của nước này đang có chiều hướng gia tăng.

Kết quả tại Thái Lan cũng không khác biệt. Từ tháng 1/2023 đến 1/2024, Cục Hải quan nước này đã tịch thu 68.706 sản phẩm thuốc lá mới, trị giá khoảng 11 tỷ đồng, nhưng thực tế ước tính có thể gấp 100 lần. Đáng quan ngại nhất là 1/3 sinh viên đại học tại Thái Lan đã từng sử dụng TLĐT.

Lệnh cấm TLĐT, TLLN tại Brunei từ năm 2010 lại gây nhiều bối rối khi thực thi. Tại đây, TLĐT được phân loại là sản phẩm “mô phỏng thuốc lá” và bị cấm bán, nhập khẩu theo Đạo luật Thuốc lá (2005). Nhưng Brunei vẫn cho phép sử dụng TLĐT tại những khu vực được hút thuốc lá, dù hành vi mua hoặc mang TLĐT vào Brunei là phạm pháp. Ngoài ra, TLĐT được tìm thấy trong các cửa hàng trên toàn Brunei bất chấp lệnh cấm.

Tại Singapore, lệnh cấm TLĐT, TLLN từ ngày 1/2/2018 không mang lại hiệu quả, dù có vị trí địa lý đặc biệt - không có đường biên giới tiếp giáp trực tiếp với nước nào, đồng thời có hệ thống pháp luật nghiêm ngặt. Sau 6 năm áp dụng lệnh cấm, tỷ lệ sử dụng TLĐT tại Singapore ngày càng gia tăng, mặc dù mức phạt cũng tăng theo từng vụ truy tố. Theo số liệu từ năm 2018 - 2022, 860 người bị bắt vì buôn lậu TLĐT, 145 người bị truy tố. Trong 3 năm từ 2020-2022, số người bị bắt vì sử dụng TLĐT tăng gấp 4 lần, từ 1.266 người lên đến 4.961 người. Năm 2022, hơn 2.600 bài đăng liên quan TLĐT đã bị các cơ quan của Chính phủ truy quét và xóa khỏi các nền tảng trực tuyến Singapore.

Nên “xẻ dòng mương” để kiểm soát tốt TLLN, TLĐT

Vấn đề TLLN, TLĐT tại Việt Nam đã được các cơ quan Bộ, ngành thảo luận gần 10 năm qua. Hiện có hai đề xuất đang lấy ý kiến từ các Bộ, ban, ngành liên quan. Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm cấm TLĐT, TLLN và các loại thuốc lá mới khác. Trong khi đó, cơ quan chủ quản của ngành thuốc lá là Bộ Công Thương đề xuất quản lý các mặt hàng này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng, ngăn chặn vấn nạn buôn lậu và các hệ lụy xã hội khác.

Tại Hội thảo về khuyến nghị chính sách đối với thuốc lá mới do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức vào tháng 3 vừa qua, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, khi cấm mà các sản phẩm này vẫn xuất hiện thì đó là sức mạnh thị trường. Như vậy, “thay vì lập nên cái đê ngăn cấm ấy, tốt hơn chúng ta nên xẻ dòng mương” để kiểm soát tốt TLLN và TLĐT.

Ông Võ Trí Thành. (Ảnh: T.H)

Ông Võ Trí Thành. (Ảnh: T.H)

Việt Nam có đường biên giới trải dài, tiếp giáp với nhiều quốc gia, cùng với “hệ thống” đường mòn lối mở rộng khắp nên việc ngăn chặn hàng lậu gặp rất khó khăn. Thực tế, các sản phẩm này dù chưa được cho phép, cũng không khác gì bị cấm, nhưng vẫn được ngang nhiên bày bán công khai từ phố phường đến mạng xã hội mà không vướng bất kỳ rào cản nào của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Người mua chỉ cần ra cửa hàng hoặc đặt hàng trực tuyến là sẽ có TLĐT, TLLN trong vòng vài giờ hoặc ít hơn.

Có thể thấy, về bản chất, lệnh cấm chỉ ngăn chặn những sản phẩm chính thống, chất lượng đến tay người hút thuốc hợp pháp. Trong khi đó, sự bành trướng của thị trường chợ đen TLĐT, TLLN càng làm tăng gánh nặng chi phí quốc gia cho cả việc chống buôn lậu và giải quyết hệ lụy về sức khỏe cộng đồng gây ra bởi hàng gian, hàng giả.

Mặt khác, Chính phủ các nước chưa đưa TLLN, TLĐT vào kiểm soát phù hợp như Việt Nam cũng không tham khảo được kinh nghiệm thành công nào từ những quốc gia có lệnh cấm. Cần cân nhắc kỹ giữa việc kiểm soát chặt chẽ TLLN, TLĐT hay cấm hẳn sẽ giúp giải quyết các quan ngại về sức khỏe người tiêu dùng của Bộ Y tế và các tác động xã hội tiêu cực ngoại ý khác từ thuốc lá mới.

Đọc thêm