Thực tế hiện nay người dân huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) ồ ạt trồng cam Vinh, đến cuối năm 2017 diện tích đã vượt quy hoạch đến năm 2020 là hơn 3.000ha.
Dán tem truy xuất nguồn gốc
Thời điểm này, có mặt tại xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) có thể dễ dàng nhận thấy thay vào diện tích bạt ngàn mía nguyên liệu như trước đây thì diện tích đất được trồng cam và cây ăn quả có múi, chủ yếu là: Cam xã Đoài muộn, cam V1, V2 (Valenxia), cam lòng vàng, cam PQ… Đây là những sản phẩm đặc trưng được quy hoạch vào khu vực trồng cam thương hiệu Vinh (Cam Vinh).
Ông Dương Đình Tấn, Giám đốc HTX Tấn Thanh (xã Minh Hợp, Quỳ Hợp) một trong những hộ dân trồng cam có năng suất cao. Hiện nay, ông Tấn có hơn hơn 5ha đất trồng cam đang cho thu hoạch, trong đó có khoảng 3h đang ở năm thu hoạch thứ 4. Ông Tấn cho biết, năm thu hoạch đầu tiên năng suất 13 tấn/ha, năm thứ 2 năng suất 25 tấn/ha, năm thứ 3 năng suất lên đến 65 tấn/ha, năm nay dự kiến diện tích cũng tương đương.
HTX Tấn Thanh cũng là một trong hai đơn vị được Sở KHCN Nghệ An cấp tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường, ngoài ra thì HTX Phùng Huyền cũng được cấp tem. Để cam được dán tem thì điều kiện đầu tiên là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và đầy đủ các tiêu chuẩn VietGap.
Theo ông Vi Thành Vinh, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳ Hợp thì qua các khảo sát của các đoàn thì các doanh nghiệp, các gia đình, HTX trên địa bàn xã Minh Hợp được cấp giấy chứng nhận địa lý Cam Vinh. Vừa qua, Sở KHCN Nghệ An mới được cấp cho 2 HTX Tấn Thanh và Phùng Huyền 15.000 tem truy xuất nguồn gốc để dán thương hiệu cam Vinh. Tiến tới, sẽ tiếp tục cấp cho hai đơn vị nữa nếu đủ các điều kiện về VSATTP và các tiêu chuẩn khác.
Theo quy định, điều kiện đầu tiên để được cấp tem truy xuất nguồn gốc là bảo đảm VSATTP, trong đó dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không còn tồn dư khi đến tay người tiêu dùng. Để có điều kiện cấp tem cam Vinh, nếu người dân trồng thì cần đăng ký với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, Hiệp hội cam Vinh, Sở KHCN để có thể theo dõi quá trình trồng, chăm sóc, các điều kiện về VSATTP, khi đủ điều kiện sẽ cho dán tem truy xuất. Theo ông Vinh, một trong những trăn trở của địa phương là cần liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp ngoại tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng cam trên địa bàn.
Những bất cập trong quy hoạch và dán tem
Bên cạnh việc dán tem truy xuất hiện vẫn còn một số khó khăn, ông Dương Đình Tấn cho biết: “Nhiều khách hàng khi truy xuất tem thì thông tin truy xuất còn chậm, hi vọng trong thời gian tới thì việc này được khắc phục hơn. Ban đầu thấy tỉnh nói hỗ trợ cho 15.000 tem và máy in tem, nhưng đến nay hai HTX chúng tôi phải mua máy tem”. Vẫn mong muốn được tỉnh hỗ trợ một phần nào để động viên tinh thần cho việc dán tem thương hiệu của địa phương…”, ông Tấn nói. Thực tế thì số cam được trồng trong vùng Minh Hợp nói riêng và Quỳ Hợp nói chung rất lớn, nhưng mới chỉ được hai HXT được cấp tem truy xuất nguồn gốc.
Theo kế hoạch, vùng cam Vinh được quy hoạch tại 5 xã gồm Minh Hợp, Văn Lợi, Nghĩa Xuân, Châu Đình và Hạ Sơn đến năm 2020 là 3.000ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích tại xã đã vượt quá diện tích quy hoạch năm 2020. Trong đó: Minh Hợp 1.947,5ha; Vân Lợi 378ha, Nghĩa Xuân 220ha; Châu Đình 117ha và Hạ Sơn 123,7ha. Tổng diện tích là hơn 2.787ha, tuy nhiên trên thực tế trên địa bàn huyện Quỳ Hợp diện tích đã vượt quá 3.000ha.
Theo ông Cao Giang Nam, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, năm 2017 là một trong những năm cam có sản lượng kém nhất. Năm 2016 cam cũng có hiện tượng rụng, nhưng năm 2017 thì cam rụng nhiều gấp nhiều lần, đến nay có hơn 5.000 tấn cam bị rụng nhưng chưa tìm được nguyên nhân. Các đoàn của Trung tâm nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp, tổ chức Jica (Nhật Bản), Đại học Thái Lan, các đoàn của tỉnh… đến địa phương lấy mẫu kiểm tra. Trong 6 tháng đầu năm năng suất cam trên địa bàn trung bình là 18 tấn/ha, sản lượng giảm 5.000 tấn.
Quỳ Hợp là vựa cam lớn nhất cả tỉnh Nghệ An, để thương hiệu cam Vinh ngày càng lớn, nhiều người tiêu dùng trên cả nước có thể sử dụng thì những bất cập trên cần sớm có những biện pháp tháo gỡ; trong đó nhiều hộ trồng cam được cấp tem truy xuất, để diện tích cam trồng có hiệu quả hơn, sản phẩm chất lượng hơn…