Cảm xúc từ “Hà Nội và tôi”

Khó mà nghĩ rằng, có một ai đó đã từng sống ở Hà Nội mà không trải lòng với nơi mình đã sống, đã lớn lên. Mỗi người có cách riêng đến với Hà Nội. Nhưng trong “Hà Nội và Tôi” (*), Đoàn Tử Diễn như nói dùm cho nhiều người về tình yêu mà ông trân trọng, gìn giữ suốt cả cuộc đời.

Khó mà nghĩ rằng, có một ai đó đã từng sống ở Hà Nội mà không trải lòng với nơi mình đã sống, đã lớn lên. Mỗi người có cách riêng đến với Hà Nội. Nhưng trong “Hà Nội và Tôi” (*), Đoàn Tử Diễn như nói dùm cho nhiều người về tình yêu mà ông trân trọng, gìn giữ suốt cả cuộc đời.

Mô tả ảnh.

Cầm trên tay tập sách dày ngót 400 trang, mỗi trang sách sâu nặng một kỷ niệm đáng yêu. Dẫu nhiều chuyện tác giả nhắc đến đã cách đây dễ ngót nửa thế kỷ, mà như đang hiện ra trước mắt đâu đó, truyền đến người đọc một tình cảm thật ấm áp. Một người bán phở dạo trên chiếc xe đẩy hồi nào, vậy mà sau nửa thế kỷ anh vẫn nhớ.

Mỗi lần đi qua con phố quen thuộc Hàn Thuyên rẽ vào Tăng Bạt Hổ, hình ảnh người bán phở như vẫn còn hiển hiện đâu đây. Mùi phở và chiếc dao gõ lách cách như nhịp trống vẫn hôi hổi trong ký ức sâu xa của Đoàn Tử Diễn. Một người thầy tận tụy trường Ngô Sĩ Liên, thầm lặng nâng đỡ, khỏa lấp những thiệt thòi cho học trò vùng kháng chiến những ngày đầu về Hà Nội học, với một tấm lòng bao dung lặng lẽ.

Hà Nội lắng lại trong ngòi bút của Đoàn Tử Diễn có lẽ là tấm lòng người Hà Nội. Vẻ dung dị bề ngoài, như cuộc sống xưa vẫn vậy và nay vẫn theo thói quen vậy mà sống. Nhưng trong cái dung dị tự nhiên ấy, ẩn chứa một phong cách riêng, một tư chất nghệ sĩ bẩm sinh trong cốt cách hồn người.

Sống giữa lòng người Hà Nội, mỗi người như được tiếp nhận trên mặt đất nghìn năm ấy “khí thiêng Đất Trời”. Trong chương sách “Phố Phái”, bên cạnh những gương mặt bình thường, ta còn thấy đây đó những tên tuổi trong giới nghệ thuật. Nguyễn Đình Thi, Huy Du, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Vũ Thanh… nhưng dưới con mắt của tác giả “Hà Nội và tôi”, họ không hiện lên trong màu sắc chói ngời danh tiếng mà là bình dị, như bao chuyện kể đời thường. Trong vẻ đời thường ấy ngời sáng một ánh sáng… của ngàn năm. Nghĩa là sự tích tụ tinh hoa thâm trầm, lắng đọng, thấm vào nhân cách, lòng nhân hậu, vị tha, tình yêu, lối sống, lối cảm.

Đứng trước ngôi nhà hồi nào mẹ Kiu, một cơ sở tình báo những năm đầu Cách mạng 1945-1946, thầm lặng suốt mấy chục năm nuôi dưỡng con những chiến sĩ tình báo đang làm nhiệm vụ xa, Đoàn Tử Diễn suy ngẫm về con người Hà Nội. “Đi trên con đường Hà Nội, nhiều khi ta nhìn biển hiệu, tường vôi, mái nhà quen thuộc đến độ, chẳng có gì đặc biệt để phải dừng lại lâu. Nhưng đó là khi ta lơ đễnh. Còn Hà Nội kỳ diệu đến nỗi, con phố nào ta qua, số nhà nào ta nhìn thấy, cũng ẩn chứa một vầng sáng, một ngọn lửa bên trong, chiếu rọi vào ngõ ngách, cửa mở. Vầng sáng ấy kín đáo, bình dị như một huyền thoại…” (Bà chủ hiệu bánh ngọt Tùng Hiên).

Nghe kể về “Giấc mơ Hà Nội”, hay “Bài hát của một người Hà Nội”, “Hành khúc Tháng Tám”… ngỡ như mấy ông Văn Cao, Xuân Oanh, Nguyễn Đình Thi ngẫu nhiên, ngẫu hứng mà viết thành nhạc vậy. Ông Xuân Oanh là một người thợ nghèo, nào nhạc lý đã sành, vậy mà vừa đi trong đoàn biểu tình, vừa cất tiếng hát như thể lời ca, điệu khúc có sẵn đâu đó trong lồng ngực. Ông Văn Cao lại nhớ Hà Nội, chiêm bao Hà Nội. Nhớ quá, khao khát quá, ngủ dậy ông hát. Thoạt đầu ông hát một mình, như lời thầm thì với Hà Nội. Rồi giai điệu, ca từ cứ tuôn theo niềm khao khát… mà “Tiến về Hà Nội” lúc nào không hay.

Tôi đọc “Hà Nội và Tôi”, có thêm cái thú là biết nhiều thứ của Hà Nội. Đôi khi ngỡ biết rồi, mà hóa ra chưa biết. Đôi khi ngỡ đã quên, nay sống lại. “Tản mạn tên phố”, “Sách viết giữa trời”, hay “Lòng đất Nam Hồng”… là những ví dụ. Thì ra địa đạo không chỉ ở Vĩnh Linh, Củ Chi thời đánh Mỹ. Hà Nội đã từng có một địa đạo thời đánh Pháp. Hầm hào dưới lòng đất, như mạch máu nối liền từng nhà dân, từng nhóm du kích, từng hơi thở gấp... Mạch máu ngầm dưới lòng đất giữ dân, giữ niềm tin vào chiến thắng của kháng chiến trường kỳ.

Với “Hà Nội mùa Thu”, “Thảm cỏ sông Hồng”, “Chim sơn ca trên chiến lũy”, v.v… Thì ra Hà Nội đâu chỉ riêng Nguyễn Đình Thi. Hà Nội còn có Vũ Thanh, có Bùi Xuân Phái, có Trần Vũ Mai, Nguyễn Mỹ…

Trong chiến tranh tôi đọc thơ Đoàn Tử Diễn dưới bút danh Hà Phan Thiết. Gần đây tôi biết ông dưới bút danh Như Nguyễn, và đôi khi là Kính Hiền, Nguyên Phước trên một số báo và tạp chí. Đặc  biệt Báo “Đà Nẵng”, nơi ông là cộng tác viên thường xuyên trên chuyên mục “Thăng Long - Hà Nội”.  Cái tên cúng cơm Đoàn Tử Diễn,  hình như lần đầu tôi biết đến. Khi được tặng sách, ông kể:

Khi biên tập để in sách, có một anh bạn cùng đi chiến trường với nhau hồi chiến tranh, dứt khoát đề nghị tôi lấy tên thật của mình. Bạn tôi nói, anh có làm văn viết truyện đâu. Anh đang thổ lộ với bạn bè về Hà Nội của riêng anh đấy chứ. Ngẫm ra, bạn tôi nói có lý.

Nguyễn Miêng

(*) Hà Nội và Tôi, Đoàn Tử Diễn, NXB Hội Nhà văn, quý 3 năm 2010.

Đọc thêm