Cần Ban chỉ đạo liên ngành khi thi hành những vụ án lớn

Tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII khi nói về việc thi hành án (THA) với vụ án Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết “sẽ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo liên ngành”. Giải pháp này theo Bộ trưởng là “rút kinh nghiệm của những vụ án lớn trước đây ở những địa bàn phức tạp, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, như vụ EPCO Minh Phụng, TAMEXCO”.

Tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII khi nói về việc thi hành án (THA) với vụ án Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết “sẽ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Ban chỉ đạo liên ngành”. Giải pháp này theo Bộ trưởng là “rút kinh nghiệm của những vụ án lớn trước đây ở những địa bàn phức tạp, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, như vụ EPCO Minh Phụng, TAMEXCO”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất lập ban chỉ đạo Thi hành án vụ Vinashine

Vấn đề này, một lần nữa được đặt ra tại hội nghị triển khai công tác THADS 2013 vừa qua. Theo bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại tố cáo (Tổng cục Thi hành án dân sự) từ kinh nghiệm chỉ đạo và thi hành các vụ án lớn, phức tạp kéo dài cho thấy, cần cân nhắc thành lập ban chỉ đạo để có sự chỉ đạo thống nhất, đúng hướng.

Lấy ví dụ từ vụ Epco- Minh Phụng, do tính chất đặc biệt và mức độ ảnh hưởng về chính trị - xã hội của vụ án, sau khi vụ án được xét xử và có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập ở cấp Trung ương Ban chỉ đạo THADS phần tài sản, khi đó do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban. Đây cũng là Ban chỉ đạo đầu tiên được thành lập ở trung ương nhằm bảo đảm việc THA được tiến hành khẩn trương, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho nhà nước và công dân.

Bà Dung cũng cho biết, kết quả sau gần 11 năm tổ chức THA, đến tháng 6/2011 đã khắc phục cơ bản những thiệt hại do các bị cáo gây ra, thu hồi cho nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp với số tiền 3649 tỷ đồng, 25 triệu USD và 445,5 lượng vàng SJC. Đáng mừng là một khối lượng tài sản của nhà nước đã được thu hồi (khoảng 60%); Hiện chỉ còn lại 3 ngân hàng chưa thu hồi đủ số nợ.

Từ kinh nghiệm của vụ Epco- Minh Phụng, cần cân nhắc thành lập ở cấp Trung ương Ban chỉ đạo để chỉ đạo những vụ án lớn mà điển hình như vụ Vinashin.

Theo Bản án Phúc thẩm được TAND tối cao tuyên hồi tháng 8/2012, các bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinashin phải bồi thường số tiền lên tới trên 1.000 tỉ đồng.

Trong đó Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) và Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashine, nguyên Giám đốc Cty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin - Vinashinlines) phải liên đới bồi thường cho Vinashinlines mỗi bị cáo gần 493 tỉ đồng. Ngoài ra, Phạm Thanh Bình và một số bị can khác phải bồi thường cho nhiều công ty khác nhau số tiền hàng chục tỉ đồng.

Hiện nay, theo bà Lê Thị Kim Dung, pháp luật chưa đặt ra việc thành lập Ban chỉ đạo THADS ở cấp Trung ương là chưa phù hợp, nên cần bổ sung.

Bà Dung đề xuất Ban chỉ đạo THADS trung uơng có thể do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục THADS làm Trưởng ban.

“Bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo vụ Epco Minh Phụng, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cũng sử dụng nhiều hình thức khác như thành lập các Tổ công tác, Tổ công tác liên ngành..để giải quyết các vụ việc phức tạp, có nhiều khiếu nại gay gắt của đương sự…”, bà Dung cho biết thêm

Ban chỉ đạo Thi hành án ở cơ sở đang phát huy hiệu quả

Không chỉ ở cấp trung ương, mô hình Ban chỉ đạo THA ở địa phương (cấp tỉnh, huyện) hiện nay đang phát huy những tác dụng nhất định, đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vụ án phức tạp ở địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến nay, 63/63 Ban chỉ đạo THADS cấp tỉnh và tuyệt đại đa số Ban chỉ đạo THADS cấp huyện đã được củng cố, kiện toàn; một số Ban chỉ đạo cấp huyện đang được kiện toàn lại (do có sự thay đổi vê nhân sự Lãnh đạo UBND và các phòng, ban có liên quan). Đồng thời với việc kiện toàn về tổ chức, Ban chỉ đạo THADs của các địa phương đã ban hành Quy chế, xây dựng Kế hoạch hoạt động; đã duy trì chế độ họp định kỳ.

Trên cơ sở báo cáo, xin ý kiến của cơ quan THADS, cơ bản những vụ án lớn, phức tạp, nhất là những vụ việc phải tổ chức cưỡng chế, Ban chỉ đạo đã kịp thời cho ý kiến và chỉ đạo các ban, ngành của địa phương tham gia phối hợp thi hành án bảo đảm đúng kế hoạch và đạt kết quả. ”Vai trò của Ban chỉ đạo THADS ngày càng được khẳng định; hoạt động của Ban chỉ đạo ngày càng đạt hiệu quả và có nhiều đóng góp vào kết quả THADS”. Bộ Tư pháp đánh giá.

Hiệu quả của Ban chỉ đạo THA, dù ở cấp Trung ương hay địa phương đã thấy rõ, tuy nhiên, cần có những quy định rõ hơn về hoạt động của Ban chỉ đạo THA. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu Ban chỉ đạo, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp ”trái khoáy” hoặc chỉ đạo mang tính ”áp đặt” của người đứng đầu vào quá trình THA.

Thu Hằng

Đọc thêm