Cần ban hành luật riêng về phòng, chống tin giả

(PLVN) -  Việc ngăn chặn, xử lý tin giả trên không gian mạng và cả trong đời thực không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự đổi mới tư duy và nhận thức của người dân mà còn cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, với những chế tài đủ mạnh để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sai phạm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* Hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tin giả trong kỷ nguyên số - Kỳ 5 (kỳ cuối)

Nhiều hành vi lan truyền tin giả chưa có căn cứ xử lý

Thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có sự phát triển đặc biệt nhanh của công nghệ thông tin. Các quốc gia trên thế giới đều công nhận những lợi ích không giới hạn mà không gian mạng mang lại nhưng cũng thừa nhận những mặt trái của không gian mạng, trong đó có tác hại từ tin giả.

Một nghiên cứu của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng… đang trở nên báo động.

Những hành vi lệch lạc này có thể làm khủng hoảng đời sống của cá nhân, tổ chức, gây nặng nề và trầm cảm xã hội, thậm chí những “cơn bão mạng” có thể “khai tử” doanh nghiệp, có cá nhân đã lựa chọn cái chết làm lối thoát. Bởi vậy, việc ngăn chặn, xử lý tin giả trên không gian mạng không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự đổi mới tư duy và nhận thức của người dân mà còn cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, đủ sức răn đe với các hành vi sai phạm.

Trên thực tế, như các chuyên gia đã phân tích từ các kỳ trước, các quy định xử phạt đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng tại Việt Nam đã có, cả về xử lý hành chính và xử lý hình sự, nhưng còn quy định rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau (Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ).

Tuy nhiên, các mức phạt về tiền đối với hành vi cung cấp thông tin giả mạo trên mạng xã hội còn thấp (từ 10 đến 20 triệu đồng), chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm và chưa tương xứng với những thiệt hại mà các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai sự thật phải gánh chịu. Chính vì vậy, nhiều đối tượng vẫn không sợ khi loan truyền tin giả trên không gian mạng, trong khi nhiều người vẫn còn tâm lý “e ngại” trình báo cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, nhiều loại tin giả, tin sai sự thật được phát tán thông qua các tài khoản giả mạo, tài khoản ảo, khiến công tác quản lý thông tin truyền thông của các cơ quan, bộ, ban, ngành có liên quan ngày càng khó khăn. Thậm chí gần đây còn xuất hiện một số phần mềm: “Photoshop giọng nói”, “kỹ thuật ráp khớp hình và tiếng” (video manipulation technology) giúp chỉnh sửa phát ngôn của con người, thậm chí làm giả hoàn toàn video để tạo ra những câu chuyện sai lệch hoặc không có thật khiến người dùng mạng xã hội không phân biệt được đâu là tin đúng sự thật, đâu là tin giả.

Thượng tá, TS. Hoàng Xuân Vĩnh, Phó Viện trưởng Viện Lý luận Công an nhân dân nhận định: “Do hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hành vi tạo lập và lan truyền tin giả nên dẫn tới một thực trạng là có nhiều hành vi tạo lập, lan truyền tin giả trên không gian mạng hoặc không gian thực trong xã hội nhưng không áp dụng được quy định của Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Hành chính để xử lý. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục hậu quả của tin giả cũng gặp khó khăn”.

Luật riêng sẽ giải quyết vấn đề hiệu quả hơn

Tin giả ngày càng trở thành vấn nạn phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt cho xã hội. Thượng tá, TS. Hoàng Xuân Vĩnh nhận định, nếu có văn bản quy phạm pháp luật riêng trong phòng, chống tin giả sẽ góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức ở Việt Nam.

Đồng thời, Luật riêng này cũng giúp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục được các hậu quả thiệt hại do tin giả gây ra; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành tung tin giả; quy định và thống nhất thực hiện giám sát, dự báo, ứng cứu và diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố do tin giả gây ra; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trong hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, một văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt về phòng, chống tin giả được ban hành sẽ đặt nền móng cho việc triển khai công tác nghiên cứu, dự báo, phát triển các giải pháp phòng, chống tin giả trong tương lai, giúp xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về tình hình tin giả giữa các bộ, ngành, địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống tin giả.

Tất nhiên, việc ban hành một luật riêng về phòng, chống tin giả ở Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về lý luận và thực tiễn, phù hợp với các thông tin lệ quốc tế và quan trọng nhất, là phải ngăn chặn, xử lý hiệu quả vấn nạn này.

* Thiếu tướng. TS. Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân:

“Deepfakes: Công nghệ trí tuệ nhân tạo làm mờ ranh giới giữa tin thật và tin giả”

Deepfakes là một dạng tin giả đang tạo ra mối đe dọa đối với an ninh trên không gian mạng khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video bạo lực, liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, video khiêu dâm người nổi tiếng, tin hoặc bài phát biểu giả mạo những người nổi tiếng hoặc có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị. Nhờ phạm vi và tốc độ lan truyền thông tin của mạng xã hội, deepfakes có thể ngay lập tức tiếp cận hàng triệu người và tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Sự xuất hiện của deepfakes khiến sự khác biệt giữa tin giả và tin thật ngày càng mờ nhạt, gây khó khăn cho sự phát hiện, phòng, chống tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng.

Mục đích ban đầu của công nghệ deepfakes không phải là để gây hại. Ngược lại, deepfakes được thiết kế như một công cụ để chỉnh sửa video cho vui chứ không có mục đích xấu. Tuy nhiên, deepfakes hiện nay có xu hướng được sử dụng để tạo ra tin tức giả mạo, tạo cơ hội cho tội phạm mạng bởi khả năng tạo ra các hình ảnh/video giả trông có độ chân thật cao, có thể đánh lừa được các hệ thống bảo mật. Tội phạm mạng đang sử dụng deepfakes như một vũ khí lợi hại trong những cuộc tấn công mạng.

Thế giới thiệt hại 78 tỷ USD mỗi năm vì tin giả

Nghiên cứu của Công ty an ninh mạng CHEQ và Đại học Baltimore ước tính, nạn tin giả trực tuyến hiện gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 78 tỷ USD/năm. Báo cáo này cũng phân tích những thiệt hại kinh tế trực tiếp từ tin tức giả và ước tính rằng tin tức giả mạo đã gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán khoảng 39 tỷ USD/năm. Trong số tổng thiệt hại được ước tính, báo cáo dự đoán theo phân khúc rằng các doanh nghiệp sẽ mất khoảng 9 tỷ USD hằng năm do thông tin sai lệch về sức khỏe, 17 tỷ USD từ thông tin sai lệch về tài chính, 9 tỷ USD từ chi phí bỏ ra cho việc quản lý danh tiếng, 3 tỷ USD từ các chi phí liên quan đến an ninh mạng và 400 triệu USD từ các quảng cáo chính trị giả mạo. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do những những thông tin thất thiệt lan truyền như là Toyota, Honda, Pepsi, Heineken.

Tăng cường quản lý việc đăng tải, cung cấp thông tin trên mạng

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tham mưu xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng, cung cấp internet và thông tin trên mạng nhằm tăng cường quản lý việc đăng tải, cung cấp thông tin trên mạng, nhất là với các mạng xã hội xuyên biên giới, trong đó bổ sung quy định định danh tài khoản người dùng, đăng ký các trang, kênh, nhóm trên mạng xã hội có đông, nhiều người theo dõi; chỉ cho phép các tài khoản đã định danh mới được bình luận, viết bài trên mạng xã hội; các mạng xã hội phải gỡ bỏ thông tin vi phạm, gỡ bỏ tin giả khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng (trong vòng 3 giờ với mạng xã hội trong nước, 24 giờ với mạng xã hội nước ngoài); hỗ trợ cấp xác thực Blue tick (tích xanh) cho các fanpage là cơ quan; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp xử lý tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Đọc thêm