Cán bộ Đoàn nghèo, xấu hổ lắm

QTV  - “Mình phải gương mẫu đi đầu trong làm ăn. Cán bộ Đoàn mà nghèo túng quá, cũng xấu hổ với đồng bào lắm”, Bí thư Đoàn xã Nhâm (A Lưới, TT - Huế) Viên Xuân Min chia sẻ.

QTV  - “Mình phải gương mẫu đi đầu trong làm ăn. Cán bộ Đoàn mà nghèo túng quá, cũng xấu hổ với đồng bào lắm”, Bí thư Đoàn xã Nhâm (A Lưới, TT - Huế) Viên Xuân Min chia sẻ.

Anh Viên Xuân Min. Ảnh: Tiểu Bảo.

Hơn 18 giờ, anh Min vẫn cặm cụi hoàn thành bản chương trình hoạt động năm 2011. “Phải tranh thủ làm, sắp hết tuổi Đoàn rồi. Ước chi mình có thêm tuổi Đoàn để được tiếp tục cháy hết mình”, anh Min bùi ngùi.

Sinh năm 1974, anh Min lớn lên giữa vùng đất bị cày xới bởi bom đạn và cái nghèo luôn đeo đẳng. Mới 15 tuổi, anh Min đã tham gia hoạt động Đoàn và trở thành Bí thư chi đoàn thôn C’Leng năm 1991 khi có nhiều thanh niên bỏ xứ vào Nam làm ăn, phong trào gặp nhiều khó khăn. Để đi tiên phong trong mô hình làm kinh tế hiệu quả, anh tham gia trồng keo, tràm để cải thiện đời sống và được nhiều bạn trẻ học theo.

Năm 2005 anh Min làm Bí thư Đoàn xã. Hầu hết đoàn viên là người dân tộc thiểu số, trình độ thấp, nghèo nên công tác tập hợp thanh niên không dễ. “Nếu không đổi mới, không thể vận động thanh niên đến với Đoàn. Tôi quyết tâm trong thời gian ngắn nhất phải làm cho anh em say mê phong trào”, anh Min nhớ lại.

Đầu tiên anh theo học lớp trung cấp chính trị của tỉnh. Về xã anh thành lập ban tham mưu, phát phiếu thăm dò ý kiến bằng tiếng Kinh và Tà Ôi để biết thanh niên đang nghĩ và cần gì. Anh Min đi bộ ròng rã hàng chục kilômét đến tận nhà, tận rẫy để vận động từng bạn trẻ tham gia.

“Bạn trẻ rất nhiệt tình, không ngại gian khó để tham gia. Vấn đề mang tính sống còn là phải khơi dậy niềm đam mê trong mỗi người”. Bằng những cách làm thiết thực, sáng tạo chỉ trong thời gian ngắn hoạt động Đoàn ở địa phương đã có những biến chuyển rõ nét…

Đổi thay

Nhiều thanh niên trong xã đã có công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo nhờ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hộ gia đình như trồng keo, tràm, măng, cà phê. Thanh niên toàn xã hiện nhận trồng hơn 100 ha cà phê.

“Mình không cần vô Nam nữa. Ở quê làm giàu với cây cà phê”, Hồ Văn Non, 24 tuổi, cho biết. Non đang nhận trồng 1 ha cà phê cho nông trường và chăn nuôi vịt, mỗi vụ thu lãi gần 10 triệu đồng.

Anh Min đã lập gia đình và có 3 con trai. Chị Lê Thị Thưa, vợ anh, là vận động viên bắn nỏ liên tục giành huy chương cấp huyện, tỉnh. Kinh tế gia đình anh khấm khá nhờ chăm chỉ trồng cà phê, chăn nuôi.

Đoàn xã còn phối hợp với trường tiểu học mở các lớp học bổ túc buổi tối, kết hợp sinh hoạt tập thể, tư vấn chọn nghề cho bạn trẻ. Thanh niên ngoài giờ lên rẫy đến học rất đông, lắng nghe các già làng kể chuyện truyền thống thôn bản. Đến nay, ngoài hàng trăm thanh niên đã được phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông, xã Nhâm tự hào khi có 12 con em đang theo học đại học chính quy.

Anh Min cho biết, xã đã lập Tiểu đội xung kích gồm 10 người, thường xuyên đi tuần tra, bảo vệ bình yên thôn bản. Mô hình đội tình nguyện hiến máu nhân đạo ở xã luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân cần máu. Xã Nhâm cũng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ chủ chốt. Mỗi năm Đoàn giới thiệu 20 đoàn viên vào Đảng cho thấy tín hiệu tích cực về nguồn nhân lực sẽ bám trụ, thay đổi mảnh đất vẫn còn nhiều gian khó này.

Theo Tiền Phong

Đọc thêm