Có người xin mãi mới được thôi cương vị lãnh đạo. Đó là trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch quận 1, TP HCM. Ông đã “dứt áo ra đi” khi nhận ra mình không thực hiện được lời hứa với dân và được phân công vào vị trí không phải chuyên môn của mình.
Ngược lại, có người bị cách chức rồi vẫn tìm cách để được trở lại quan trường. Ông cựu Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ. Sau một thời gian làm chuyên viên cho Tổ tư vấn của tỉnh, ông làm đơn xin một chức Phó Giám đốc của một ban. Động thái này có thể khiến dư luận cho rằng ông là người “tham quyền cố vị” và chưa nêu gương chút nào.
Cũng xin thôi việc nhưng cũng chẳng phải là gương mẫu gì? Đó là trường hợp của ông cựu Chủ tịch quận ở Cần Thơ. Ông bị kỷ luật rồi điều chuyển làm chuyên viên trên thành phố. Giờ ông xin hưu sớm (không phải “nhường ghế” vì còn ghế đâu mà nhường), về hưu thì ông vẫn được hưởng mọi chế độ hưu trí mà không phải thực hiện lời hứa của mình là “cống hiến suốt đời” cho sự nghiệp chung.
Có trường hợp cán bộ lãnh đạo chịu nhiều tai tiếng nhưng vẫn “bình chân như vại”. Có thể kể đến ông Phó Chủ tịch HĐND huyện ở Tây Ninh. Ông đã nhận nhà tình nghĩa rồi lại nhận tiếp nhà “nghĩa tình” 250 triệu và một sổ tiết kiệm 30 triệu từ Hội Cựu chiến binh. Quá trình cấp nhà “nghĩa tình” cho ông đầy khuất tất. Hơn thế, ông từng khai man mình bị nhiễm chất độc màu da cam để hưởng chế độ nhưng bị phát hiện và cơ quan đã “tha” cho ông, không truy xét về hành vi này. Nếu cứ làm ngơ cho khuyết điểm của cán bộ, giấu giếm sai phạm đạo đức thì tiếp tục cán bộ đó sẽ được cơ cấu ở nhiệm kỳ tới và tiếp tục nêu gương xấu.
Một vài trường hợp kể trên cho thấy “văn hóa từ chức” còn chưa đi vào đời sống cán bộ, công chức cho dù đã có những quy định “mở đường rút danh dự” cho những người năng lực và phẩm chất không tương xứng với cương vị mình. Đã là cán bộ thì phải nêu gương trong bất cứ lĩnh vực và hoàn cảnh nào. Điều đơn giản như vậy mà mãi không trở thành phương châm ứng xử của đội ngũ cán bộ, là sao?