Cán bộ tư pháp miền Tây xứ Nghệ kể chuyện nghề

(PLO) - Với địa bàn nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) công tác tư pháp có những đặc thù riêng khác biệt với vùng miền khác. Ngoài vấn đề nghiệp vụ thì cần hiểu được văn hóa, tập tục, sống cùng với bà con, hiểu bà con thì mới làm tốt công tác tư pháp. 
Cán bộ tư pháp xã Yên Na đang hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho bà con.

Xã Yên Na, Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) là nơi sinh sống của gần như 99% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là Thái, Khơ Mú. Đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, địa hình miền núi hiểm trở giao thông đến các thôn bản còn rất nhiều gian nan. Vì thế, để làm tốt công tác tư pháp tại địa bàn này cũng đòi hỏi cán bộ phải nhiệt huyết hơn, yêu nghề hơn, hi sinh nhiều hơn mới có thể làm tốt được nhiệm vụ được giao. 

Trong năm 2017, tư pháp xã Yên Na đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xây dựng ban hành 115 văn bản, trong đó có 11 văn bản QPPL. Công tác tuyên truyền PBGDPL được chú trọng tổ chức được 14 buổi tuyên truyền cho 1.556 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền như luật phòng, cháy chữa cháy, luật phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, luật hôn nhân và gia đình, luật phòng chống mua bán người…

Kiện toàn Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người nghèo và đối tượng chính sách được 45 lượt. Trung tâm giao dịch một cửa đã chứng thực được 2.009 bản sao các loại giấy tờ thuộc thẩm quyền cấp xã, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho 19 trường hợp. Phối hợp với Chi cục THADS huyện xác minh tài sản các trường hợp phải thi hành án trên địa bàn được 13 trường hợp với tổng số tiền gần 50 triệu đồng, đã thi hành án xong gần 25 triệu đồng. Làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được 102 trường hợp, đăng ký khai sinh 156 trường hợp, đăng ký khai tử cho 10 trường hợp.

Những buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại thôn bản

Tư pháp xã Yên Tĩnh cũng đăng ký khai sinh 157 trường hợp, tổ chức 52 tuổi tuyên truyền với 2.599 lượt người nghe. Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý của xã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An tổ chức tuyên truyền và trợ giúp pháp lý tại 2 bản và hướng dẫn cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Trung tâm giao dịch một cửa xã Yên Na cũng đã chứng thực 7.007 bản sao các loại giấy tờ thuộc thẩm quyền cấp xã, tăng 4710 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Phối hợp với Chi cục THADS huyện Tương Dương xác minh tài sản của các đối tượng phải thi hành án 6 đối tượng phải thi hành án. Ban hòa giải xã đã tiến hành hòa giải 2 vụ, trong đó hòa giải thành một vụ tranh chấp bò tại bản Xiêng Nứa. 

Làm thủ tục cấp thể BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được 120 trường hợp. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tổ chức được 52 buổi có 2.599 lượt người nghe. Do làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiểm chống lãng phí, qua kiểm tra, thanh tra không phát hiện các hành vi tham nhũng xảy ra trên địa bàn xã.

Theo bà Lữ Thị Mùi, cán bộ tư pháp xã Yên Tĩnh, trang thiết bị máy móc, mạng Internet còn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như công việc, nhiều lúc nhập dữ liệu lên hệ thống chậm khiến công dân phải chờ lâu. 

 Nhiều vụ tranh chấp trâu bò trong dân bản được tư pháp xã Yên Tĩnh giải quyết thấu tình đạt lý

Công tác hoà giải cơ sở cũng được chú trọng, nhiều vụ tranh chấp đã được xã giải quyết thấu tình đạt lý thông qua sự tham mưu của ngành tư pháp. Đơn cử như vụ tranh chấp cặp bò của gia đình ông Vi Văn Điểu (bản Na Cáng, xã Yên Tĩnh) đã được ban hòa giải xã xử lý hợp tình hợp lý và hai bên đều tâm phục khẩu phục. Theo đó, gia đình ông Điều mua một cặp bò về cho gia đình khác nuôi hộ (nuôi rẽ) gần 1 tháng sau thì bò đi lạc mất không tìm thấy, cùng lúc này gia đình ông Lô Văn Bách (trú tại bản Chà Lứm) lại được một cặp bò đưa về chuồng nhốt lại. Gia đình ông Bách ba tháng trước cũng có một cặp bò đi lạc chưa tìm thấy. 

Cả hai gia đình đều cho rằng đó là bò nhà mình, vụ việc có đơn gửi lên UBND xã đề nghị giải quyết. Ban hòa giải đã gọi cả ba gia đình lên làm việc, qua nhận dạng con bò thì xác định được cặp bò là bò của gia đình ông Điểu. Sau khi thống nhất, ông Điều đã đồng ý để lại cặp bò cho ông Bách, gia đình ông Bách trả lại cho ông Điểu 10 triệu đồng và 1,6 triệu đồng tiền nuôi bò trong mấy ngày qua. Cả hai đều vui vẻ đồng ý bắt tay nhau ra về. 

Ông Lương Xu Ly, Cán bộ tư pháp xã Yên Na cho biết, trên địa bàn chủ yếu là tranh chấp về trâu bò đi lạc, các vụ hòa giải trong năm đều liên quan đến trâu bò đã được giải quyết thành công. “Một đặc điểm khác với các vùng miền xuôi là đồng bào khi đến làm các thủ tục hành chính thì thường không mang giấy tờ gì đi theo mà chỉ đi không đến hỏi cán bộ xong rồi về. Khi đó, chúng tôi phải giải thích xong rồi bà con mới về nhà mang giấy tờ đến làm lại từ đầu”, ông Xu Ly nói.

Là địa phương “nóng” lên với tình trạng khai thác vàng trái phép, tư pháp đã phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho bà con nhân dân không tham gia hoạt động đào đãi vàng. Góp phần ổn định được tâm lý người dân, phần nào đó hạn chế được vấn nạn gây nhức nhối cho địa phương.

Đọc thêm