Cận cảnh người nghèo nhập cư

Họ - những người nghèo nhập cư - đâu dám mơ đến những buổi đi xem chiếu bóng, những tiệm làm đẹp cao cấp hay đơn giản là ăn một bữa tại nhà hàng sang trọng. Bởi họ còn trăm nỗi lo: Nhà ở, chỗ học cho con, sợ bị ốm vì không có BHYT...

Họ - những người nghèo nhập cư - đâu dám mơ đến những buổi đi xem chiếu bóng, những tiệm làm đẹp cao cấp hay đơn giản là ăn một bữa tại nhà hàng sang trọng. Bởi họ còn trăm nỗi lo: Nhà ở, chỗ học cho con, sợ bị ốm vì không có BHYT...

Mô tả ảnh.
Nhiều lao động nhập cư nghèo ở thành phố Đà Nẵng rất hạn chế tiếp cận các dịch vụ công.

Những mảnh đời

Anh Nguyễn Viết Hưng (quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) mới 38 tuổi nhưng trông như già hơn trước tuổi với mái tóc đốm bạc, khuôn mặt nhăn nheo phủ bụi sương gió. Hành nghề xe ôm tự do tại thành phố Đà Nẵng đã 3 năm nay, suốt ngày phơi mặt với bụi đường, với nguy hiểm chực chờ, anh chỉ mong một ngày kiếm được trên 100 ngàn đồng để nuôi 2 đứa con nhỏ. Vợ anh cũng chẳng có nghề gì, đành chạy đầu chợ bán cuối chợ kiếm mỗi ngày vài chục ngàn thêm tiền rau mắm. Căn phòng trọ là nơi trú ngụ của 4 con người ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Cao Vân vừa tối tăm, ẩm thấp vừa chật chội. Khi được hỏi ốm đau thì khám bệnh ở đâu, anh cười nói: “Lo chi, trời kêu ai nấy dạ thôi. Ốm thì ra hiệu thuốc bảo họ bán cho một liều, uống vào là hết bệnh liền, cần chi đi bệnh viện tốn tiền lắm vì không có bảo hiểm y tế”. Nói rồi, anh lại chép miệng: “Chỉ tội cho con bé, 4 tuổi rồi mà đành gửi nhà trẻ tư nhân vì không có hộ khẩu thường trú. Giá gửi nhà trẻ tư lại khá cao, khoảng trên 1 triệu đồng/tháng”.

Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh (28 tuổi, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) thì may mắn hơn vì đều xin được việc làm tại thành phố Đà Nẵng. Chị thì làm công nhân may ở Khu công nghiệp Hòa Khánh với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, còn anh đang làm cho một công ty quảng cáo mỹ thuật trong thành phố với mức lương khoảng gần 3 triệu đồng/tháng. So với ở nông thôn, mức thu nhập như vậy kể cũng khá nhưng ở thành phố lớn, chi phí cuộc sống cao, thậm chí cao hơn so với người địa phương khiến họ chẳng dư dả gì, thậm chí có lúc túng thiếu. “Tiền nhà và điện nước mất gần 1 triệu, tiền gửi bé mất 1 triệu nữa, còn lại hơn 2 triệu cố co kéo trong các khoản ăn uống của hai vợ chồng (món rau là chủ đạo), xăng xe rồi còn đám cưới, đám tang...” - chị Hạnh nhẩm tính. Chị cho biết, chưa dám nghĩ đến việc ốm đau, bởi hai vợ chồng đều chưa có bảo hiểm y tế, còn những chủ thuê lao động thì cứ lần lữa việc đóng bảo hiểm cho họ...

Ẩn mình trong muôn vàn khó khăn

Người nhập cư đa số là nghèo, họ làm đủ mọi việc từ công nhân, thợ thủ công, nhân viên bán hàng, xe ôm, xích lô, bán hàng rong… trong đó, số lượng công nhân chiếm khá lớn. Thu nhập cũng chỉ tạm đủ sống qua ngày, không dám nghĩ đến tương lai, hạn chế tiếp cận với các dịch vụ công, môi trường sống không bảo đảm… đang là thực trạng chung của những người nhập cư. Nếu bảo hiểm y tế là “cứu cánh” của người nghèo, thì với họ lại quá xa vời bởi bảo hiểm y tế thì liên quan đến hộ khẩu và để có hộ khẩu ở thành phố cũng không phải chuyện dễ. Và vì phải lo kiếm tiền sinh nhai, chỉ đến khi bệnh thật nặng thì mới vào bệnh viện. Thế nhưng, trong danh sách những người nghèo, họ chưa được tính đến. Anh Lê Văn Sơn, tổ trưởng tổ 36, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, cho biết: “Lâu nay, trong các cuộc điều tra hộ nghèo không xét đến người nhập cư bởi họ không có hộ khẩu ở địa phương, dù biết có những người đã tạm trú ở đây lâu rồi”. Bởi “đứng giữa đôi dòng nước” như thế nên người nghèo nhập cư thường đứng ngoài các chính sách an sinh xã hội.

Di dân là hệ quả của quá trình đô thị hóa, của sự phát triển mạnh các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Một mặt họ góp phần vào sự phát triển của thành phố, mặt khác họ cũng đang là mối lo ngại về lâu dài nếu như không có những chính sách phù hợp.


Bài và ảnh: KIM NGÂN

Đọc thêm