Triển khai rộng khắp hoạt động theo dõi THPL
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thực hiện Nghị định 59/2012/NĐ-CP, Bộ đã ban hành Quyết định 1646 ngày 27/2/2014 phê duyệt Kế hoạch theo dõi THPL năm của Bộ với việc tổ chức 24 chuyên đề cùng các hoạt động rà soát, phổ biến, tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các hoạt động tổng kết THPL theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền. Tính đến nay, hầu hết các chuyên đề đã được triển khai.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu công tác, Vụ Pháp chế đã trình lãnh đạo Bộ phê duyệt thêm 2 chuyên đề là phối hợp với Bộ Tư pháp làm chuyên đề kiểm tra tình hình thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế đối với các doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý và chuyên đề theo dõi THPL về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước.
Còn Bộ NN&PTNT không ban hành kế hoạch riêng mà công tác theo dõi THPL được xác định chung trong Kế hoạch công tác pháp chế năm 2014. Trên cơ sở kế hoạch chung, các đơn vị thuộc Bộ ban hành kế hoạch theo dõi THPL riêng của đơn vị mình. Hiện đa số các đơn vị triển khai hoạt động đúng kế hoạch đề ra và đảm bảo tiến độ, trừ Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối. Bộ NN&PTNT còn là một trong những Bộ thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành theo dõi THPL về an toàn thực phẩm đối với chuỗi rau, củ, quả và chè do Bộ Tư pháp ban hành theo Quyết định 1108/QĐ-BTP.
Tuy nhiên, công tác theo dõi THPL của hai Bộ vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Bộ NN&PTNT thừa nhận nội dung theo dõi THPL còn dàn trải, thiếu sự tập trung, chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong năm, chưa có kế hoạch chung về theo dõi THPL; lúng túng về phương pháp thực hiện; chưa kịp thời xử ký kết quả theo dõi THPL đã được thực hiện; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ. Bộ Công Thương thì chưa triển khai được hình thức điều tra, khảo sát nên phần nào ảnh hưởng tới kết quả công tác theo dõi THPL; chưa đảm bảo được kinh phí dành cho công tác này…
Sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu trách nhiệm được định rõ
Từ những bất cập, hạn chế, đại diện hai Bộ mong muốn Bộ Tư pháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi THPL. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ tiêu thống kê quốc gia làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình THPL, đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế nói chung và công tác theo dõi THPL nói chung…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, có rất nhiều vụ việc xảy ra trong công tác theo dõi THPL nhưng quy trách nhiệm cho cơ quan nào là việc không dễ dàng. Chẳng hạn, vụ táo để 6 tháng, 9 tháng không hỏng; gia cầm nhập lậu; tạm nhập – tái xuất xăng dầu; rượu 29 Hà Nội… khi có phóng viên quan tâm hỏi người có trách nhiệm trong Bộ Công Thương, được chỉ sang Bộ NN&PTNT; hỏi Bộ NN&PTNT thì Bộ này bảo sang Bộ Y tế... Trong khi chưa định rõ, dư luận đã hết sức bức xúc, cho rằng các Bộ né tránh trách nhiệm. “Quan điểm của tôi là làm rõ trách nhiệm để không Bộ nào đùn đẩy trách nhiệm cũng như không sợ trách nhiệm” – ông Hải nhấn mạnh.
Phát biểu tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao kết quả công tác theo dõi THPL mà các Bộ đạt được trong năm 2014, đó là nhờ sự quan tâm, nhận thức sâu sắc của các lãnh đạo Bộ đối với công tác này. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã thành lập được Phòng Công tác theo dõi THPL thuộc Vụ Pháp chế. Có điều, theo Thứ trưởng Hiền, công tác theo dõi THPL tuy được triển khai rộng khắp nhưng cần lưu ý hơn đến chiều sâu và chất lượng kiểm tra, theo dõi.
Ghi nhận các đề xuất của đại diện hai Bộ, Thứ trưởng Hiền cũng kiến nghị, công tác theo dõi THPL trong năm 2015 cần xác định được nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các ngành, nhất là các vấn đề dân sinh như lĩnh vực an toàn điện, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…