“Mê hồn trận” thủ tục hành chính về nhà, đất
Theo khảo sát của Bộ Tư pháp, để thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, người sử dụng đất phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính (TTHC) khác nhau, được quy định tại nhiều văn bản QPPL khác nhau như: Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng, Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định, hướng dẫn chi tiết các Luật này. Qua thống kê, rà soát, số lượng thủ tục thực hiện quyền của người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất và giao dịch bảo đảm là 10 TTHC; các thủ tục về công chứng hợp đồng, giao dịch là 13 TTHC; thủ tục thuế: 03 TTHC.
Trong đó, theo cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC, các thủ tục liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất có thể chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1: Người sử dụng đất phải thực hiện các TTHC liên quan đến thẩm quyền giải quyết TTHC của 04 cơ quan (tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực; văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã; cơ quan thuế và kho bạc nhà nước đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính).
Nhóm 2: Người sử dụng đất thực hiện các TTHC liên quan đến thẩm quyền giải quyết TTHC của 03 cơ quan gồm: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã; cơ quan thuế và kho bạc nhà nước đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, việc tiếp nhận và trả kết quả cho người sử dụng đất sẽ do một đầu mối thực hiện theo lựa chọn của người sử dụng đất là Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã.
Nhóm 3: Người sử dụng đất phải thực hiện TTHC liên quan đến 02 cơ quan (Tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực; văn phòng đăng ký đất đai). Đây chính là nhóm đối tượng thực hiện thủ tục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đối với đất đai, tài sản gắn liền với đất dưới hình thức thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Trong các nhóm trên, nhóm 1 là nhóm có số lượng TTHC nhiều nhất, quy trình giải quyết để hoàn thành việc thực hiện quyền của người sử dụng đất phải trải qua nhiều công đoạn với các cơ quan giải quyết khác nhau và tổng thời gian thực hiện là lớn nhất. Bên cạnh đó, nhóm 1 cũng là nhóm có số lượng đối tượng tuân thủ TTHC lớn gắn với việc thực hiện các quyền chủ yếu của người sử dụng đất là chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thời gian qua, việc giải quyết các TTHC liên quan tới quyền của người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất đã có những cải cách để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc tạo thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện TTHC như: Quy định về phối hợp thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính giữa văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế; đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ của từng TTHC đơn lẻ theo kết quả rà soát tại Đề án 30… Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể , không có một quy trình thủ tục liên thông đầy đủ, thống nhất, đơn giản giúp người sử dụng đất hoàn thành việc thực hiện các quyền của mình theo quy định. Việc liên thông mới chỉ thực hiện đối với Văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính, trong khi để thực hiện các quyền của mình, người sử dụng đất phải thực hiện nhiều TTHC, liên quan đến các cơ quan trong giải quyết TTHC khác nhau (tổ chức công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, kho bạc nhà nước). Do đó, thực tế, với quá trình giải quyết TTHC vẫn tách bạch, thực hiện độc lập, đơn lẻ từng thủ tục nên thời gian giải quyết TTHC dài hơn, chi phí đi lại, thực hiện TTHC tốn kém hơn.
Người dân thêm sự lựa chọn
Để khắc phục tình trạng nêu trên, hiện nay một số tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký đất đai đã tự liên kết với nhau để liên thông về thủ tục. Những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình không có thời gian nên đã ủy quyền và trả thù lao cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện dịch vụ một số công việc như: nộp thuế, thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, do hoạt động liên thông chưa được thể chế hóa nên những hình thức ủy quyền, liên kết tự phát chưa thống nhất, công khai minh bạch và trong một số trường hợp phát sinh tiêu cực, không kiểm soát được.
Nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều cơ hội lựa chọn hình thức thực hiện thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Đề án đưa ra mô hình liên thông các thủ tục công chứng, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và thuế, trong đó các tổ chức hành nghề công chứng chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính, luân chuyển hồ sơ đến cơ quan, tổ chức có liên quan thay cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình.
Như vậy, với Đề án này, ngoài việc cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có thể trực tiếp đến tất cả các cơ quan nộp hồ sơ và nhận kết quả theo quy định hiện hành, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cũng có thể lựa chọn đến duy nhất một đầu mối để nộp hồ sơ và nhận kết quả là tổ chức hành nghề công chứng.