Cần có chế độ lương đặc thù cho người phục vụ trong quân đội

(PLO) - Chính Phủ vừa trình Quốc hội (QH) Dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Theo Dự luật, chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đã được quy định rất chi tiết, thể hiện tính đặc thù dành cho công việc quan trọng.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng), hiện nay trước yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại đòi hỏi quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trong quá trình quản lý, sử dụng, làm chủ và sản xuất, sửa chữa, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự phải có trình độ, tay nghề, có tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo cao. 
Từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp trong đó có chính sách về tiền lương để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. 
Vì vậy, dự thảo Luật đã quy định tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được tính theo chức danh, trình độ đào tạo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội. 
Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được hưởng phụ cấp thâm niên; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
Qua quá trình thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng an ninh của QH (UBQPAN) cơ bản tán thành với quy định về nguyên tắc của chính sách tiền lương và phụ cấp của  Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (QNCN, CN, VCQP ) đã quy định trong dự thảo. Nhưng UBQPAN đề nghị đánh giá chính sách tiền lương hiện hành để xác định chế độ tiền lương phù hợp với tình hình mới; rà soát các chính sách để không trùng lặp, mất cân đối với các đối tượng khác và khắc phục những bất cập hiện nay.
UBQPAN cũng đề nghị xác định rõ nguyên tắc xếp lương, trả lương cho các đối tượng: (1) QNCN xếp lương theo trình độ đào tạo (đại học, trung cấp, sơ cấp) và làm công việc thuộc nhóm nào thì xếp lương theo trình độ đó, nhóm đó theo bảng lương riêng; (2) CNQP được xếp theo vị trí công việc trên cơ sở đánh giá độ phức tạp của công việc đó và chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng; (3) VCQP đảm nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì xếp lương theo hạng được xếp trong chức danh nghề nghiệp đó và chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng.  Theo đó, đề nghị quy định về nguyên tắc để xây dựng thang bảng lương riêng cho từng đối tượng.
Về nguyên tắc trả lương, ý kiến thẩm tra của  UBQPAN đề nghị phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của QNCN, CN, VCQP và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật). Đối với QNCN, CN, VCQP làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp quân đội hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, ngoài tiền lương theo kết quả sản xuất kinh doanh cần xác định rõ các khoản được ngân sách nhà nước bảo đảm (như quân trang, chữa bệnh, chính sách nghỉ chờ hưu...).
Về các loại phụ cấp (gồm: Phụ cấp thâm niên trong thời gian phục vụ quân đội; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc; phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự), đa số ý kiến UBQPAN tán thành quy định về các loại phụ cấp như dự thảo Luật do Chính phủ trình là phù hợp với đặc thù của ngành lao động đặc biệt để bảo đảm công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách đối với QNCN, CN, VCQP đồng thời đề nghị bổ sung quy định về phụ cấp trách nhiệm đối với QNCN, CN, VCQP.
UBQPAN tán thành với việc quy định thân nhân của CN, VCQP: “không có chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định của pháp luật” tại khoản 2 vì cho rằng phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ./.

Đọc thêm