Cung có, cầu có…
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát có tới 85% doanh nghiệp (DN) tự thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển để có các sản phẩm mới. Chỉ có gần 14% DN đã phối hợp với các đơn vị để triển khai nghiên cứu sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến DN chỉ dưới 1%.
Thực trạng về trình độ công nghệ, máy móc thiết bị của các DN trong các ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam rất thấp. Có đến gần 60% DN công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn sử dụng công nghệ có tuổi đời trên 6 năm.
Công nghệ của các DN chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ từ những nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, nhưng trên 18% là công nghệ trước năm 2005. Do đó, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam.
Rất nhiều DN nhận thức được điều này nên tích cực triển khai đổi mới công nghệ và Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu KH&CN để hỗ trợ các DN đổi mới.
Song, có một thực tế mà Bộ KH&CN cũng thừa nhận rằng mặc dù KH&CN rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng ở Việt Nam, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vẫn chưa được coi trọng xứng tầm, nên “đích” đến của các kết quả nghiên cứu dường như vẫn là… “ngăn kéo”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, việc liên kết và xúc tiến đóng vai trò quan trọng cho phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và tài sản trí tuệ. Nhưng việc kết nối giữa các Viện nghiên cứu, trường đại học với các DN hiện còn hạn chế, trong khi các sàn giao dịch KH&CN chưa khẳng định được vai trò thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.
Chính vì thị trường KH&CN ở Việt Nam chưa phát triển nên các DN không dễ dàng tìm mua được các công nghệ, bí quyết mà họ cần. Sự liên kết giữa DN với các viện/trường, các nhà khoa học ở Việt Nam gần như chưa có.
Điều này dẫn đến nghịch lý, mặc dù Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, nhiều người có tầm ảnh hưởng quốc tế. Các DN có nhu cầu đổi mới công nghệ rất lớn, song tỷ lệ kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế lại rất thấp.
Thiếu gạch kết nối
Theo GS. Phan Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Giám đốc Học viện KH&CN, hiện có nhiều kết quả nghiên cứu ý nghĩa nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm mô hình thương mại hóa phù hợp với điều kiện trong nước. Vì thế, sự tham gia của các nhà khoa học có kinh nghiệm trong chuyển giao kết quả nghiên cứu ra thị trường có ý nghĩa lớn đối với các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực công nghệ.
Với kinh nghiệm của người sở hữu 30 bằng sáng chế và nhiều sản phẩm đã được thương mại, GS.Nguyễn Sơn Bình – một trong năm nhà khoa học Mỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2017 cho rằng, các nhà khoa học cần phải biết thị trường đang cần gì. Khi đã có kết quả nghiên cứu, họ cũng cần kết nối với các DN và các nhà khoa học ở lĩnh vực khác cùng hoàn thiện để có sản phẩm hữu ích nhất cho người dùng. Bởi khi nhà khoa học dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm sẽ không dễ để biết thị trường đang vận hành ra sao, nhu cầu như thế nào.
Cũng theo GS.Bình, nguyên nhân làm hạn chế triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam là do các sản phẩm được triển khai ứng dụng từ các nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam đa số chỉ dùng trong nước, thậm chí chỉ được sử dụng trong một nhóm nhỏ người dân mà không tìm hiểu để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Chỉ một phần nhỏ sản phẩm được bán sỉ ra nước ngoài, sau đó các nước gia công lại và bán, thậm chí xuất khẩu ngược lại Việt Nam với giá cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm cũng chưa thực sự được quan tâm mặc dù các sản phẩm được triển khai ứng dụng tại Việt Nam rất tốt.
Để phát triển thị trường KH&CN, một số đơn vị nghiên cứu khoa học, DN cho rằng nhà nước cần có trang web giao dịch kết quả KH&CN; chợ điện tử quảng bá kết quả KH&CN; giảng viên có thể thành lập, điều hành DN KHCN; tạo điều kiện để các viện, trường triển khai thực nghiệm, áp dụng các kết quả nghiên cứu. Các DN cần triển khai sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao bằng cách ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; chủ động đầu tư KH&CN thông qua đặt hàng nghiên cứu đối với các cơ sở nghiên cứu khoa học.