Cần có giải pháp quản lý các trạm cấp nước nông thôn

QTV - Với nguồn vốn đầu tư của TƯ, địa phương và đóng góp của nhân dân, hiện trên địa bàn tỉnh QN đã có 10 trạm cấp nước và 20 công trình nước tự chảy, cơ bản phục vụ được nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, tại địa bàn nông thôn, do khai thác trong thời gian dài và đặc biệt do cơ chế quản lý không chặt chẽ, nhiều công trình cấp nước đã xuống cấp và chất lượng nước phục vụ người dân không đảm bảo.

QTV - Với nguồn vốn đầu tư của TƯ, địa phương và đóng góp của nhân dân, hiện trên địa bàn tỉnh QN đã có 10 trạm cấp nước và 20 công trình nước tự chảy, cơ bản phục vụ được nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, tại địa bàn nông thôn, do khai thác trong thời gian dài và đặc biệt do cơ chế quản lý không chặt chẽ, nhiều công trình cấp nước đã xuống cấp và chất lượng nước phục vụ người dân không đảm bảo. Tình trạng này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm thay đổi cơ chế quản lý, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nước tại địa bàn nông thôn.

Trạm cấp nước xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng được tổ chức Unicef tài trợ xây dựng từ năm 1996. Trong những năm qua, xã Phong Cốc là đơn vị quản lý công trình này thông qua một cán bộ duy nhất làm công tác vận hành tại trạm. Hầu như trong 14 năm, trạm cấp nước Phong Cốc không được quan tâm nâng cấp mà chỉ khai thác đến mức hư hỏng nặng. Hậu quả là nguồn nước phục vụ người dân không đảm bảo an toàn. Tình trạng xuống cấp đã rõ nhưng xem ra cơ quan quản lý sở tại cũng chẳng mặn mà.

Còn trạm cấp nước xã Nam Hòa- công trình được đầu tư tới hơn 5 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 2008. Thế nhưng, nhìn từ bên ngoài không ai nghĩ đây là một trạm cấp nước mới sử dụng. Cũng giống như các công trình cấp nước khác do địa phương quản lý, trong tình trạng “cha chung không ai khóc”, hầu như việc nâng cấp, kiểm tra thiết bị không được cả người quản lý và vận hành quan tâm. Lưới lọc đã bắt đầu bục, hạt lọc thất thoát. Trung bình 1 tháng đội ngũ vận hành tại trạm chỉ thu nhập từ 600-700 nghìn đồng. Do đó, dù có muốn đội ngũ này cũng không thể dành tâm huyết quan tâm kiểm tra, vận hành và nâng cao chất lượng nước. Cơ chế quản lý chưa rõ ràng như hiện nay đang gây không ít khó khăn cho những người vận hành và việc phát triển kinh doanh nước sinh hoạt.

Mặc dù công suất thiết kế tới 700m3/ngày đêm nhưng hiện nay trạm cấp nước Nam Hòa mới chỉ sử dụng chưa hết 50% công suất. Trong khi đó, rất nhiều người dân các xã đảo Hà Nam lại đang “khát” nước sạch.

Khác hẳn với tình trạng trên, trạm cấp nước do Cty TNHH Hồng Quảng đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2006 tại xã Phong Hải- Huyện Yên Hưng lại cho hiệu quả rõ rệt. Với cách quản lý chặt chẽ của doanh nghiệp, trạm nước này thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng và kiểm tra chất lượng nước. Hiện nay, Trạm nước này đã phục vụ cho 900 hộ dân trên địa bàn xã Phong Hải và một số hộ của các xã lân cận, khai thác hầu hết công suất thiết kế ban đầu. Nhờ vậy doanh thu của trạm nước thường xuyên được nâng lên, tài sản được đảm bảo và thu nhập của những người tham gia quản lý tại đây đều cao hơn.

Theo thống kê, tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 80%. Tuy nhiên trên thực tế, nước sạch nông thôn vẫn đang là vấn đề bực thiết. Bởi vậy, việc bảo vệ và quản lý các công trình cấp nước lại càng trở nên quan trọng. Phải làm sao để các công trình cấp nước đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước phục vụ người dân là bài toán đặt ra cho các cấp quản lý./.

Ngọc Linh

Đọc thêm