Cần có nhiều giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12  dành thời gian thảo luận và quyết định các giải pháp chủ yếu để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12  dành thời gian thảo luận và quyết định các giải pháp chủ yếu để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Bên hành lang phiên họp, đồng chí Dương Anh Điền, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng một số ý kiến về tình hình kinh tế-  xã hội năm 2009 và những tháng đầu năm và một số vấn đề đang đặt ra.

 

Công ty TNHH thời trang quốc tế (Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng) vừa đi vào hoạt động tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động

                                                                                        Ảnh: Duy Lê

- Thưa Phó bí thư Thường trực Thành ủy, đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2009 và những tháng đầu năm 2010?

 

-  Tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội. Năm 2009 và những tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành rất quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành,  toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội của đất nước đạt kết quả tốt, đáng phấn khởi. Nếu đối chiếu với nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Quốc hội đề ra cho năm 2009 và năm 2010 thì hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu đều được hoàn thành khá tốt.

 

Nổi bật nhất là nước ta đã xử lý thành công các vấn đề về khủng hoảng và suy giảm kinh tế, chấm dứt được sự suy thoái, đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và vào loại cao so với khu vực. Vị thế của đất nước được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, lạm phát cơ bản được kiểm soát. Đây là những thắng lợi hết sức to lớn, nhất là những kết quả này đặt trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh chính là bước chuẩn bị rất quan trọng cho đại hội. Nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

 

- Theo đồng chí, nguyên nhân nào là chủ yếu để mang lại thành công như trên?

 

-  Nguyên nhân thứ nhất là, trong khó khăn càng thấy rõ bản lĩnh của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, bản lĩnh của dân tộc. Cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra khá bất ngờ, xảy ra đúng vào lúc chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nhờ đó, chúng ta đã  bình tĩnh xử lý, đánh giá đúng tình hình, tìm ra đúng nguyên nhân và đề ra các giải pháp kịp thời, mang lại hiệu quả. Nguyên nhân thứ hai là, chúng ta có sự vào cuộc đồng bộ của Đảng, các cấp chính quyền, của các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Đây là nét đặc sắc  mà nhiều nước khác không có. Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp  như vậy, Đảng kịp thời đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, chính quyền các cấp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao nên nhanh chóng mang lại hiệu quả.

 

- Còn điều gì khiến đồng chí băn khoăn?

 

-  Kết quả trên là rất đáng phấn khởi, nhưng cũng không nên chủ quan. Bởi lẽ, chúng ta còn không ít tồn tại, yếu kém. Thứ nhất, chất lượng hiệu quả tăng trưởng còn hạn chế, kinh tế vĩ mô hiện nay chưa có bất ổn định lớn, nhưng không có nghĩa là không có gì đáng phải lo ngại. Những vấn đề về đời sống, việc làm, dịch bệnh, rồi tiêu cực xã hội, cũng là những vấn đề mà nhân dân rất quan tâm. Về lạm phát, ta cố gắng giữ mức 7%, nhưng đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn.

Còn một số vấn đề khác như cơ cấu của nền kinh tế, nhập siêu, nợ Chính phủ, nợ quốc gia… đều là những vấn đề rất đại sự, rồi quốc phòng-  an ninh, những vấn đề về giáo dục, y tế, môi trường… đang đặt ra những thách thức không nhỏ, cần có giải pháp thật cụ thể và hiệu quả.

 

-  Đồng chí góp ý như thế nào về hệ thống giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2010 của Chính phủ?

 

-  Thứ nhất, đất nước chúng ta đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển. Tuy nhiên, cần xác định rõ quyết tâm, đề ra các giải pháp để sớm trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài loan, Xin- ga- po…, tránh sa vào cái “bẫy” của nước công nghiệp có thu nhập ở mức trung bình  như Phi- lip- pin, Thái Lan, In- đô- nê- xi- a…

 

Thứ hai, chúng ta được biết là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng là  do cơ cấu kinh tế. Đây  là một nguyên nhân khá căn bản nhưng những giải pháp về vấn đề này chưa thực sự rõ nét. Khủng hoảng chính là biểu hiện một cơ cấu kinh tế  có vấn đề và  mang tính chu kỳ. Do đó, phải nhanh chóng  điều chỉnh, tái cơ cấu lại nền kinh tế.  Điều thuận lợi là năm nay chúng ta chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đại hội chính là dịp tốt để tái cơ cấu lại nền kinh tế của cả nước và các địa phương.  

 

Thứ ba, cần quan tâm hơn nữa tới kinh tế biển. Khu vực này chiếm tới hơn 50% GDP, nhưng đầu tư trở lại, phát triển kinh tế biển và tăng cường quản lý biển đảo vẫn chưa tương xứng. Vấn đề nữa là quy chế dân chủ ở cơ sở, đây là vấn đề rất lớn nhưng báo cáo chưa đề cập rõ, nhất là khi chúng ta đã có  Pháp lệnh của Quốc hội về thực hiện quy chế dân chủ.

 

Với Hải Phòng, tôi đề nghị các công trình hạ tầng lớn đã được ghi trong Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị cần được đẩy nhanh hơn nữa, hiện nay tiến độ còn chậm. Bên cạnh đó, cần  quan tâm hơn nữa tới tính đồng bộ của các dự án đầu tư. Ví dụ Cảng Hải Phòng đã được đầu tư khá nhiều, nhưng cần quan tâm xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông sau Cảng và cả luồng lạch vào Cảng. Được như vậy, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng sẽ tăng nhanh, góp phần tích cực vào sự phát triển của cả vùng và cả nước.

 

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Thanh Hiệp thực hiện

Đọc thêm