Cần có quy trình kiểm tra an toàn khi học online?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự việc đau xót bé trai 10 tuổi (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến tại nhà chưa lắng xuống thì lại xảy ra vụ điện thoại phát nổ làm một học sinh lớp 5 ở Nghệ An tử vong. Cơ quan chức năng và gia đình phải lưu tâm vấn đề an toàn của trẻ hơn nữa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, trong giờ học trực tuyến trẻ em đối mặt với rất nhiều nguy cơ không mong muốn như điện giật, cháy nổ thiết bị, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần do căng thẳng, hạn chế giao lưu với bạn bè...

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần sớm có hướng dẫn thống nhất trong cả nước một quy trình bắt buộc các giáo viên có kiểm tra, nhắc nhở vấn đề an toàn đối với học sinh trước khi vào lớp và kết thúc tiết học. Ví dụ như, trước khi bắt đầu tiết học, giáo viên phải nhắc học sinh kiểm tra máy tính, điện thoại đã sạc đầy pin chưa, chỗ ngồi có mưa dột, ẩm ướt hay không…

Với gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra giám sát thiết bị cũng như các nguồn điện cung cấp cho thiết bị học trực tuyến của con em mình; thường xuyên hướng dẫn kỹ năng an toàn khi sử dụng thiết bị.

Với những trẻ chưa được tiếp cận máy tính, điện thoại tốt, ông Nam cho rằng phải thúc đẩy nhanh hơn nữa Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động để làm sao để cung cấp máy tính, điện thoại… an toàn nhất.

Bên cạnh đó, hiện nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra vận động, quyên góp máy tính, các thiết bị điện thoại tặng cho các em ở vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây là việc tốt, nhưng theo ông Nam, các cơ quan chức năng cũng cần khuyến cáo máy tính, điện thoại quyên góp cũng phải đảm bảo an toàn, riêng máy tính cũ, điện thoại cũ phải kiểm tra, bảo dưỡng trước khi chuyển đến tay các em.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, chương trình học trực tuyến vốn chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian ảnh hưởng do COVID-19 nên chúng ta chưa có chuẩn bị đầy đủ, kín kẽ từ chương trình học, phương pháp học đến các loại thiết bị học nên mới có những vụ việc đáng tiếc, thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây.

Theo ông Nhưỡng, thời gian tới, các cơ quan chức năng nếu xác định học trực tuyến là giải pháp lâu dài, song song với học trên trường thì cần chuẩn hóa cả về phần cứng và phần mềm dạy học.

“Khi chuẩn hóa được vấn đề này thì chúng ta sẽ làm rõ được trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của gia đình trong việc học trực tuyến của trẻ em. Bởi hiện tại học trực tuyến có nhiều sự khác nhau giữa các trường, giữa các cấp học.

Có buổi học của các em tới vài tiếng nên những điện thoại chất lượng kém phải vừa học vừa sạc rất nguy hiểm. Do vậy, nếu chúng ta chuẩn hóa phần mềm mà phần cứng không thực hiện thì cũng không đạt yêu cầu”, ông Nhưỡng nói.

Theo giáo viên Phạm Thanh Thúy (Trường Tiểu học Bình Minh, Hà Nội), lo lắng của các bậc phụ huynh khi con mình học online là điều đương nhiên. Bởi trẻ nhỏ rất hiếu động và dễ mất tập trung khi ngồi học bằng điện thoại hay máy tính.

Chính vì thế, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra thiết bị, hệ thống kết nối phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Với trẻ học lớp 1, lớp 2 phụ huynh cần trao đổi thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của con. Phụ huynh có thể kèm cặp trực tiếp khi con đang học.

Ngày 15/10, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành Văn bản 3572/SGDĐT-CTTT gửi Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học trực thuộc… Sở đề nghị các đơn vị, trường học tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép; chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương để hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên; có phương án chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vắc xin của cơ quan y tế. Cùng với đó, tiếp tục duy trì việc phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của học sinh; hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe và các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình học trực tuyến tại gia đình.

Đọc thêm