Cần cọ sát thực tiễn khi đào tạo nghề luật sư

Trao đổi với PLVN, LS.Đỗ Trọng Hải (Chỉ tịch – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Bizlink) nhận định, tăng thời gian đào tạo thực tiễn cho học viên tham gia khoá đào tạo kỹ năng hành nghề LS là góp phần xây dựng được đội ngũ LS có chất lượng.

Trao đổi với PLVN , LS.Đỗ Trọng Hải (Chỉ tịch – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Bizlink) nhận định, tăng thời gian đào tạo thực tiễn cho học viên tham gia khoá đào tạo kỹ năng hành nghề LS là góp phần xây dựng được đội ngũ LS có chất lượng.

Chất lượng phụ thuộc đào tạo cử nhân Luật

Từng tham gia nhiều Hội đồng kiểm tra hết tập sự LS hàng năm, ông đánh giá thế nào về quá trình và chất lượng đào tạo LS hiện nay?

- Công tác đào tạo LS thực sự đã có nhiều chuyển biến với nhiều nội dung đậm chất thực tiễn được đưa vào chương trình, đáp ứng một phần nhu cầu đào tạo LS nói riêng và các chức danh tư pháp nói chung. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chất lượng học viên tham gia các khoá đào tạo LS nói chung không đồng đều, một bộ phận hiện chất lượng còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu theo tôi bắt nguồn từ chất lượng đào tạo cử nhân Luật.

Ông có thể giải thích rõ hơn về sự hạn chế đó?

- Như chúng ta đều biết, nguồn học viên đào tạo LS và các chức danh tư pháp rất đa dạng, không đồng đều nhưng được đào tạo cùng chương trình và thời gian. Không ít học viên dù đã tốt nghiệp cử nhân Luật nhưng chất lượng học thuật kém, hổng kiến thức cơ bản. Đào tạo LS nói riêng và các chức danh tư pháp nói chung là đào tạo nghề, dạy học viên các kỹ năng thực tiễn nên đòi hỏi học viên tham gia phải nắm vững những kiến thức cơ bản của nghề luật thì chất lượng đào tạo mới có thể đạt yêu cầu.

Vậy giải pháp hữu hiệu nào có thể làm thay đổi chất lượng đào tạo LS?

- Tất nhiên chất lượng đào tạo LS còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhưng chất lượng đào tạo cử nhân theo tôi đóng vai trò tiên quyết. Do vậy, không chỉ đảm bảo đào tạo tốt ở bậc cử nhân Luật mà phải kiểm soát chặt chẽ đầu ra của cấp đào tạo này. Đào tạo LS không thể là giai đoạn đào tạo tiếp nối sau cử nhân. Nếu cần bổ sung kiến thức học thuật thì người học có thể tham gia khoá đào tạo sau đại học. Còn khi đã tham gia học nghề LS thì học viên chỉ học kỹ năng hành nghề.

Luật sư học được nhiều hơn khi tập sự

Tại Khoản 7 và Khoản 10 Điều 13 dự thảo Luật LS (sửa đổi), Liên đoàn LS Việt Nam đề xuất qui định cho người tập sự hành nghề LS được tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng trong những vụ việc do LS hướng dẫn phân công và chịu trách nhiệm trước khách hàng khi đã tập sự được hơn nửa thời gian; được bào chữa đối với những vụ án tội phạm ít nghiêm trọng, được đại diện cho khách hàng và LS hướng dẫn đồng ý… vì nếu không cho người tập sự hành nghề LS được thực hiện quyền này thì “sẽ cắt đi quyền cọ sát thực tiễn nghề nghiệp của LS” và “không cho người tập sự hành nghề LS làm đại diện cho khách hàng là bất hợp lý khi người tập sự vẫn có thể đại diện theo uỷ quyền dân sự”.

Trong quá trình soạn thảo dự án Luật LS sửa đổi, Bộ Tư pháp đề xuất thời gian đào tạo LS và tập sự LS mỗi giai đoạn là 12 tháng, nhưng Liên đoàn LS Việt Nam lại đề nghị giữ nguyên qui định hiện hành là đào tạo 6 tháng, tập sự 18 tháng. Quan điểm của ông về vấn đề như thế nào?

- Tôi ủng hộ quan điểm của Liên đoàn LS vì LS sẽ học được nhiều hơn những kỹ năng hành nghề quan trọng từ những LS có kinh nghiệm trong thời gian tập sự, chứ không phải thời gian học lý thuyết.

Nhưng kéo dài thời gian đào tạo LS lên 12 tháng là để phù hợp cho việc đào tạo chung 3 chức danh LS, thẩm phán và kiểm sát viên, thưa ông?

- Nếu nhìn từ góc độ này thì không có vấn đề gì. Song lưu ý phải xây dựng được chương trình và nội dung đào tạo phù hợp. Cần nhận thức rõ là, đào tạo LS không phải là đào tạo chồng lên đào tạo, không thể kéo dài thời đào tạo học thuật cho LS để bù đắp những thiếu hụt của cấp đào tạo cử nhân Luật.

Chỉ nên miễn đào tạo nếu đã “cọ sát” nghề luật sư

Quan điểm của Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS Việt Nam đều thống nhất về miễn đào tạo LS đối với 1 số đối tượng. Là một LS, ông đánh giá như thế nào về qui định này?

- Tôi nhận thấy trong dự thảo Luật LS (sửa đổi) qui định về miễn đào tạo LS chưa hợp lý, nhất là đối với một đối tượng có học hàm, học vị, chức danh trong nghề Lụât. Bởi chỉ có thể miễn đào tạo đối với những người mà công việc của họ “cọ sát” hàng ngày với hoạt động của LS như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên. Nhờ đó có thể họ nắm được hoạt động, kỹ năng hành nghề LS.

Vậy ông có cho rằng, bắt họ tham gia khoá đào lý thuyết là lãng phí khi họ đã có vốn kiến thức rất sâu sắc về nghề Luật?

- Không lãng phí vì đào tạo LS là đào tạo nghề. LS hành nghề không chỉ bằng kỹ năng mà còn bằng nhiều “kỹ xảo” nghề nghiệp - những điều này chỉ thể hiện qua thực tiễn. Nếu những đối tượng không va vấp, tiếp xúc với nghề LS thì không thể miễn đào tạo mà chỉ nên giảm thời gian tập sự hành nghề cho họ.

Ngoài những vấn đề trên, ông có tâm tư gì cần gửi gắm vào dự thảo Luật LS sửa đổi lần này?

- Tôi cho rằng, dự thảo Luật đang còn thiếu một vấn đề quan trọng là vai trò bảo vệ LS của Liên đoàn LS Việt Nam, cơ chế để LS được tạo điều hiện hành nghề theo qui định của pháp luật, trong đó cần có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở LS khi hành nghề hợp pháp. Thực tế hiện nay vai trò bảo vệ LS của Liên đoàn LS Việt Nam còn chưa rõ nét có thể do Liên đoàn còn non trẻ. Song về lâu dài, trách nhiệm này của Liên đoàn cần được thể hiện cụ thể hơn vì cùng với đào tạo, bồi dưỡng cho LS, vai trò bảo vệ LS của Liên đoàn là một trong những chức năng quan trọng, thể hiện rõ tính tự quản và tự chủ của Liên đoàn…

Ngoài ra, dự thảo vẫn còn một số vấn đề cần được cân nhắc trước khi trình Chính phủ như quyền của người được tập sự, vấn đề đại diện uỷ quyền, rút chứng chỉ hành nghề LS của người không thường trú ở Việt Nam…

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong 2 ngày 24-25/2, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), Liên đoàn LS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn trong xây dựng Luật LS – kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam.

Với các quan điểm và kinh nghiệm của các chuyên gia, LS Việt Nam và Nhật Bản, Hội thảo đã cùng thảo luận về những vấn đề lớn trong sửa đổi, bổ sung Luật LS năm 2006. Đây sẽ là những thông tin góp phần để Liên đoàn LS Việt Nam tiếp thu, tổng hợp và trao đổi với Bộ Tư pháp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật LS, kịp trình Chính phủ dự kiến vào 10/3 tới.

Hương Giang (thực hiện)

Đọc thêm