Cần có sự phối hợp hiệu quả hơn trong bảo hộ sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ( SHTT) dù đã có một số kết quả bước đầu nhưng công cuộc này còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tham gia chủ động, sự phối hợp chủ động từ các doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Cần có sự phối hợp hiệu quả hơn trong bảo hộ sở hữu trí tuệ

Cuộc đấu tranh phức tạp, kéo dài

Tại Hội thảo Bảo vệ quyền SHTT Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức ngày 28/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Thanh Bình cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới, nhu cầu về hàng hoá của người tiêu dùng (NTD) ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, tạo ra thị trường mở và rộng lớn cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền (SHTT), hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.

“Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD, của chủ thể quyền đang được bảo hộ tại Việt Nam, khiến NTD hiểu lầm, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo

Theo đánh giá của đại diện Tổng cục QLTT, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Thời gian vừa qua, các lực lượng thực thi pháp luật trong đó có lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được các kết quả khả quan.

Năm 2023, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 501 tỷ đồng. Trong đó, riêng vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có 9.676 vụ việc, xử lý 9.246 vụ việc, phạt hành chính 92,5 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm đạt trên 118,3 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo Tổng cục QLTT, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến ngày càng phức tạp.

Vi phạm trên thương mại điện tử tăng rất cao

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình khẳng định, trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến hiệu quả phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT chưa đạt như kỳ vọng phải kể đến nguyên nhân về sự phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật.

Bà Nguyễn Như Quỳnh - Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ thông tin, qua quá trình xử lý đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam cho thấy, đơn đề nghị xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng rất cao, các vi phạm rất tinh vi và các vụ vi phạm sáng chế có xu hướng tăng.

“Có thể nói Việt Nam đang phải đối mặt với yêu cầu rất cao về quyền SHTT theo các công ước đã cam kết cũng như các điều khoản tại các hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, năng lực của cơ quan thực thi tại Việt Nam, dù đã có nhiều cố gắng nhưng cần phải cố gắng hơn nữa vì SHTT sẽ phát triển mạnh mẽ theo thời gian. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao năng lực thực thi và nhận thức của NTD. Trong đó, chúng tôi đề cao cơ chế phối hợp cả ở trong nước và nước ngoài” - bà Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cũng cho rằng, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT nhưng các đối tượng luôn có nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. “Các đối tượng rất tinh vi, tránh được sự kiểm tra của cơ quan chức năng ngay từ phương thức vận chuyển, rồi phương thức sản xuất (chia nhỏ các công đoạn sản xuất hàng giả, hàng vi phạm SHTT, mỗi đơn vị chỉ tham gia sản xuất 1 phần, khi có đơn đặt hàng mới gom lại để hoàn thiện). Rồi việc thay đổi địa điểm đặt kho hàng, khi thì đặt tại vùng quê xa xôi, hẻo lánh - rất khó ngờ đến hoặc các chung cư cao cấp với việc được bảo vệ khá quy củ. Cùng với đó là toàn bộ quá trình lưu thông hàng hóa chỉ sử dụng TMĐT” - ông Lê nói.

Ông Lê khẳng định, lực lượng QLTT đã có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt. Đặc biệt, toàn lực lượng nhắm đến 4 mục tiêu chính và phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt được, bao gồm 100% các khu du lịch không bày bán hàng giả; 100% các làng nghề cơ sở sản xuất thủ công không sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng giả, vi phạm SHTT; 100% các tổ chức cá nhân kinh doanh ký cam kết không tham gia kinh doanh hàng giả và 100% chủ các sàn TMĐT, mạng xã hội ký cam kết không kinh doanh hàng giả, vi phạm SHTT.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, có nhiều vấn đề đặt ra và cần giải quyết, trong đó, cần phải tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT không chỉ giữa các cơ quan nhà nước với nhau mà còn cần sự hợp tác chủ động giữa các cơ quan chức năng với doanh nghiệp, hiệp hội.

Đọc thêm