Căn cứ vào nguyên liệu có đủ cơ sở đưa thuốc lá làm nóng vào diện quản lý?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang được các Bộ, ngành liên quan, chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, và các bên khác phân tích để xem xét có đưa thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vào diện quản lý hay không?.

Đề cập đến vấn đề này, Báo cáo số 2004 ngày 27/9/2023 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) chưa có quy định về thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT). Theo Bộ Y tế, việc chưa thống nhất khái niệm rõ ràng cho các sản phẩm này dẫn đến các ý kiến khác nhau giữa cơ quan quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý các sản phẩm này.

Mặt khác, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, trong cuộc họp báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới chiều 27/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, cần phân tích rõ là Luật PCTHTL đã tính đến những đối tượng này (TLLN và TLĐT) chưa và có thể áp dụng cho các đối tượng này không.

Luật quy định: Thuốc lá là sản phẩm có nguyên liệu thuốc lá

Điều 2.1 của Luật PCTHTL nêu rõ: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. (Nguồn: chinhphu.vn)

Quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. (Nguồn: chinhphu.vn)

Điều 2.3 bổ sung: “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”. Theo đó, Luật quy định chỉ xét đến nguyên liệu của sản phẩm để xác định là “thuốc lá”, không xét đến quy trình sản xuất hay cách sử dụng của từng loại khác nhau như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào… và các dạng khác, chẳng hạn như TLLN hiện nay.

TLLN có nguyên liệu giống như thuốc lá điếu, chỉ khác cách sử dụng. Thuốc lá điếu dùng bật lửa để đốt điếu thuốc và người hút sẽ hít làn khói được tạo ra từ quá trình đốt cháy này. TLLN dùng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc đặc chế ở mức nhiệt độ giới hạn để không tạo ra phản ứng đốt cháy, chỉ tạo ra khí hơi có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn.

Luật PCTHTL không quy định về các phụ kiện, cách sử dụng đi kèm cho các sản phẩm thuốc lá. Do đó, xét về phụ kiện đi kèm thì tương tự như thuốc lá điếu, xì gà dùng diêm, bật lửa, thuốc lào dùng ống điếu, thuốc lá tẩu dùng tẩu thì TLLN dùng thiết bị làm nóng.

Một số ý kiến đồng thuận đưa thuốc lá làm nóng thuộc Luật hiện hành

Tại một hội thảo về thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) năm 2023, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp nhận định: “Đối với TLLN thì chúng tôi khẳng định đó là thuốc lá vì được chế tạo từ nguyên liệu thuốc lá dưới dạng mẩu thuốc, sau đó lắp vào thiết bị để hút. Thay vì đốt cháy điếu thuốc thì thiết bị này sẽ làm nóng nguyên liệu thuốc lá”.

Đối với các quan điểm về việc không có căn cứ để xem xét TLLN thuộc Luật, tại một hội thảo năm 2022, ông Lê Đại Hải cũng từng phân tích: “Trong Luật PCTHTL, nhà làm luật bao giờ cũng có tính dự báo để luật được ổn định lâu dài. Sử dụng nguyên liệu gì để đưa vào tẩu, vào máy để từ đó đưa một lượng nicotine vào cơ thể thì đó chính là thuốc lá”.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ trong một tọa đàm năm 2023: “Định nghĩa về thuốc lá trong Luật PCTHTL đã ghi rõ, sản phẩm thuốc lá sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá - một phần hoặc toàn bộ, và ở dưới các dạng khác nhau (như hút, nhai, ngửi…), đồng thời chốt thêm câu “và các dạng khác”. Như vậy, chúng tôi đã tiên liệu trước, là định nghĩa này đã bao hàm những thay đổi về sản phẩm thuốc lá sẽ phát sinh trong tương lai”. Do đó, theo bà Lan, hiện căn cứ pháp lý để quản lý TLLN đã có sẵn - chính là Luật PCTHTL, chỉ cần mạnh dạn áp dụng Luật này để kiểm soát mọi loại thuốc lá.

Mới đây nhất, tại Hội thảo “TLTHM tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” ngày 19/3 do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến cá nhân cho rằng, định nghĩa về thuốc lá trong Luật PCTHTL là “hoàn toàn thích ứng, phù hợp với TLLN”. “Không ai nói rằng TLLN không phải là thuốc lá”, ông Cường khẳng định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: WHO)

Ảnh minh họa. (Nguồn: WHO)

Về phía quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cần quản lý TLLN theo luật hiện hành từ kỳ họp Hội nghị Các bên Tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 8 (COP8, 2018). Khuyến nghị này được giữ nguyên tính hiệu lực cho đến nay (COP10, 2024).

Thông tin mới nhất từ WHO cho biết, đã có 184/195 quốc gia chính thức quản lý TLLN theo luật kiểm soát thuốc lá, xếp vào nhóm sản phẩm thuốc lá hoặc sản phẩm khác. Con số này chiếm tỷ lệ áp đảo so với các nước cấm hoặc buông lỏng.

Từ các cơ sở trên, theo các chuyên gia, sẽ là khiên cưỡng khi nói TLLN không phải thuốc lá và không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật PCTHTL. Các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại thuốc lá cũng là một trong những lộ trình cần hoàn thiện, thể hiện Việt Nam sẵn sàng đón nhận các sáng tạo về khoa học và linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với xu thế xã hội.

Đọc thêm