* Ông VÕ VĂN THUẬN, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà: Cần đẩy mạnh việc chuyển đổi nghề cho ngư dân, xây dựng chợ
|
Trước thềm Đại hội Đảng bộ thành phố, chúng tôi muốn gửi tới Đại hội những tâm tư nguyện vọng của mình và mong rằng Đại hội sẽ đề ra những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa thành phố ngày càng phát triển và cuộc sống của người dân càng ấm no.
Hiện nay, một số nghề của ngư dân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản gần bờ như nghề giã cào, nghề mành điện... Chính quyền địa phương đã cấm không cho ngư dân khai thác, song một số phương tiện khai thác có công suất dưới 20CV đang hoạt động với cường độ lớn, ngày càng làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Để giảm việc khai thác ven bờ, phát triển ngành thủy sản bền vững, ngư dân rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc chuyển đổi nghề, như hỗ trợ nguồn vốn để ngư dân có thể nâng cấp hoặc mua tàu mới có công suất lớn hơn phục vụ việc đánh bắt xa bờ, bảo đảm vừa khai thác có hiệu quả vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh đó, thành phố quan tâm chỉ đạo việc quy hoạch, nâng cấp, xây dựng chợ. Quận Sơn Trà hiện có 7 chợ, trong đó 5 chợ đã hoàn thành xây dựng theo quy hoạch, còn lại 2 chợ An Hải Đông (phường An Hải Đông) và chợ Mai (phường Thọ Quang) đang quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, công tác vệ sinh môi trường, PCCC, văn minh thương mại còn nhiều bất cập. Mặt khác, diện tích 2 chợ này quá nhỏ (chợ An Hải Đông 2.800 m2, chợ Mai 2.100 m2) nên các hộ kinh doanh đã lấn ra buôn bán phía bên ngoài chợ, gây nên tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông. Đề nghị thành phố có chủ trương quy hoạch, bố trí đủ diện tích để xây dựng hai chợ này, cùng với việc quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tự chọn, hình thành mạng lưới bán lẻ trên địa bàn nhằm thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế quận theo hướng Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp xây dựng - Nông nghiệp (thủy sản) đến năm 2015. ĐAN TÂM (ghi)
* Anh LÊ NGUYÊN TẤN LÂN (Công ty cổ phần Mỹ Phát): Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch
|
Là thành phố có thế mạnh về du lịch và cũng là một trong những thị trường du lịch phát triển nên nhu cầu nhân lực du lịch ở Đà Nẵng luôn là vấn đề “nóng” đối với nhiều doanh nghiệp du lịch. Thế nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực du lịch ở Đà Nẵng, nhất là nhân lực chất lượng cao vừa thiếu vừa yếu. Chính vì thế, theo tôi, việc đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch trong thời gian đến là hết sức cần thiết.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2015, dự báo ngành du lịch thành phố cần một lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp tương đối lớn. Chỉ riêng nhu cầu về lao động buồng, phòng ước đến năm 2015 đã là trên 16.000 lao động, đồng thời nhu cầu bổ sung hằng năm của công việc buồng, phòng sẽ từ 1.800 đến 2.000 người. Trong khi đó, hiện nay thành phố Đà Nẵng mới chỉ có một số cơ sở đào tạo nguồn nhân lực khách sạn cho ngành du lịch như: Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Thương mại; Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Trung cấp nghề Việt - Úc, Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Thăng Long...
Hằng năm các trường, trung tâm dạy nghề chỉ mới đào tạo được khoảng 600 học viên, không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, các trường này chưa thể đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Chính vì thế, các trường, các đơn vị chức năng cần tích cực hợp tác đào tạo, đồng thời coi trọng hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo du lịch ở nước ngoài có uy tín, chú trọng áp dụng các chuẩn quốc tế trong đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ. PHƯƠNG UYÊN (ghi)